Xã hội
Mái ấm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ninh
03:03 PM 03/09/2020
(LĐXH) – Được thực hiện từ năm 2013 bởi Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” đã phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác hỗ trợ trẻ em, san sẻ trách nhiệm xã hội giữa toàn thể cộng đồng.
Anh Trần Văn Hương, Trưởng Phòng Phát triển cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Mô hình được triển khai từ năm 2013 tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên. Đối tượng được nhận nuôi là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ khuyết tật nặng, trẻ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa đang sống trong cộng đồng. Đối tượng nhận nuôi là gia đình, cá nhân đảm bảo điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tự nguyện nhận chăm sóc trẻ; có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; có điều kiện kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ...
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng 
Để mô hình thực sự đạt hiệu quả, đúng đối tượng, Trung tâm tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em và nhu cầu, năng lực nhận nuôi của gia đình tại cộng đồng, trong đó ưu tiên gia đình cận huyết thống. Đồng thời, xây dựng quỹ các gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ. Định kỳ hằng tháng, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm đến gia đình để cấp phát, hỗ trợ kinh phí cho gia đình nhận nuôi và hỗ trợ cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trong các gia đình nhận nuôi với mức 450.000-525.000 đồng/trẻ/tháng.
Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 150 lượt gia đình, cá nhân đăng ký nhận nuôi, và đã có hơn 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận nuôi, với tổng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hơn 1 tỷ đồng. Đa số những gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em là những người có quan hệ huyết thống. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK được các gia đình, cá nhân nhận nuôi có cuộc sống ổn định về vật chất, tinh thần, thành tích học tập được nâng cao. Mô hình đã tạo điều kiện cho trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, hòa nhập và phát triển toàn diện hơn.
Trong 7 năm triển khai mô hình, cán bộ Trung tâm đã tiến hành 7 đợt khảo sát, phỏng vấn đối với trên 100 lượt trẻ và 100 lượt gia đình tham gia mô hình để thu thập thông tin; góp phần đánh giá đúng các kiến thức còn thiếu hụt trong việc chăm sóc trẻ của gia đình nhận nuôi, kiến thức, kỹ năng sống của trẻ, cũng như nhu cầu kiến thức cần được trang bị của trẻ em và gia đình trong mô hình. Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ với các gia đình, cá nhân nhận nuôi.
Đến nay, Phòng Phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm đã tổ chức trên 60 buổi sinh hoạt chuyên đề với các nội dung: Việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ tại gia đình; tâm sinh lý lứa tuổi... cho hơn 1.000 lượt cá nhân (đại diện gia đình nhận nuôi). Đồng thời, tổ chức hơn 50 buổi trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho hơn 1.000 lượt trẻ em trong mô hình về: Kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị; kỹ năng tự chăm sóc bản thân...
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các biểu hiện khác lạ về tâm lý, thói quen sinh hoạt, học tập của trẻ, để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, giúp trẻ ổn định tâm lý, thể chất, nâng cao kết quả học tập. Bên cạnh đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi cư trú và các cơ quan, tổ chức, ban, ngành, trường học để tìm nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng bằng hình thức thăm, tặng quà; hỗ trợ kiến thức tiếng Anh cho trẻ; vận động phụ huynh, bạn bè ủng hộ thêm quần áo, sách vở cho các em... 
Thông qua mô hình, 30 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu là mồ côi bố mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Đắng là bà ngoại của em Nguyễn Quỳnh Anh (SN 2006, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên), chia sẻ: “Bố cháu mất sớm, mẹ cháu nhiễm HIV, nên tôi đã nhận nuôi cháu. Nhưng nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương có lẽ bà cháu tôi khó trụ được. Cháu Quỳnh Anh tiếp tục được đến trường, được nhận tiền trợ cấp hằng tháng, được tặng nhiều quần áo, đồ dùng học tập”.
Có thể thấy mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả trong việc huy động sự chung tay của cả cộng đồng để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú./.
Minh Cảnh
Từ khóa: