Văn hóa - Thể thao
Mâm cỗ Tết hiện đại: Sáng tạo trên nền cổ truyền
01:44 PM 27/01/2025
(LĐXH) Mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi gia đình đều tất bật chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền để dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng. Tuy nhiên, đi cùng với nhịp sống hiện đại, mâm cỗ Tết đang được “làm mới” bằng việc sử dụng nguyên liệu, hình thức mới lạ.

Mâm cỗ truyền thống: Giữ hồn Tết xưa

Theo phong tục ngày Tết, mâm cỗ cúng Giao thừa thường được các gia đình chuẩn bị kỹ càng, với những món được chế biến cầu kỳ như bánh chưng, gà luộc, xôi, nem rán... Mỗi món ăn đều ẩn chứa một ý nghĩa khác nhau: bánh chưng tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn; thịt gà luộc gợi lên sự phú quý, thịnh vượng hay xôi gấc gửi gắm ước vọng may mắn.

Nhà báo Vĩnh Quyên - nguyên Phó tổng Giám đốc kênh Truyền hình Quốc hội là một người phụ nữ Hà Nội đảm đang có duyên với ẩm thực Hà Thành, từng chia sẻ: “Cỗ Tết truyền thống của Hà Nội vừa hài hoà giữa màu sắc và vị, vừa tinh tế từ cách nấu nồi nước dùng cho từng món. Món ăn Hà Nội như một người con gái đằm thắm, duyên dáng, mặn mòi mà không loè loẹt, phô trương. Và dĩ nhiên, không phải ai cũng phát hiện ra cái duyên lặn vào trong ấy. Cần có thời gian để hiểu rồi mới thương và yêu".

Mâm cơm vào dịp Tết cần có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 hướng), Với những gia đình có điều kiện và thời gian thì có thể làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa,... Tùy theo mỗi gia đình sẽ có thể chuẩn bị những món khác nhau. Tuy vậy, đối với mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu các món chính sau: bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào… Tất cả các món ăn đều được chế biến, lựa từ những nguyên liệu tươi ngon, như: thịt gà dùng trong năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 Tết; thịt heo phải chọn được miếng thịt đầy đặn, có đủ nạc, đủ mỡ, dày mình, vuông vắn; miếng giò phải chắc, thơm ngon, giò được gói tròn, đều đặn...

Mâm cỗ Tết không chỉ đơn giản là những món ăn thông thường, mà còn là tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm với mong ước cuộc sống được trọn vẹn, đủ đầy. Thưởng thức các món ngon trong không khí ngày đầu xuân năm mới giúp mọi người gác lại mọi lo toan, bộn bề cuộc sống, cũng là dịp để ông bà, con cháu, anh em, họ hàng được quây quần bên mâm cơm.

Mâm cỗ Tết truyền thống. Ảnh: Facebook/Vĩnh Quyên

Sự pha trộn phong vị mới

Cùng với lối sống hiện đại, mâm cỗ truyền thống cũng đang dần khoác lên “tấm áo mới”. Thay vì nấu những món quen thuộc, nhiều gia đình trẻ mạnh dạn thêm sườn xào chua ngọt, salad thậm chí là cả món Âu - Á vào mâm cúng. Sự kết hợp này có thể đơn giản là biến tấu hương vị, hoặc nâng cấp mâm cỗ với thực đơn đa dạng hơn.

Chị Triều (45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Vào dịp Tết, nhà tôi vẫn giữ các món cơ bản như mọi năm: có món xào, món canh, món luộc, bánh chưng, xôi gấc, nem rán,... Tôi quan niệm sinh hoạt thường ngày như thế nào thì cúng như thế, hay còn gọi là “trần sao âm vậy”. Ngày xưa, Tết đến, món nào ngon, lạ, hiếm thì các cụ dành cho mâm cỗ Tết . Nhưng bây giờ cuộc sống khá giả hơn rồi, con cháu hầu như có thể ăn những món ấy bất kỳ lúc nào. Nên tôi thấy việc “làm mới” mâm cỗ cũng là điều bình thường, miễn là mình làm hài hòa, món truyền thống vẫn phải có, thêm thắt món mới cho phong phú. Mỗi gia đình sẽ có một quan điểm riêng, nhưng điều quan trọng là không làm mất đi không khí Tết".

Không chỉ có sự thay đổi trong nguyên liệu hay món ăn, hình thức đặt món online cũng trở nên phổ biến. Chỉ cần vài thao tác đơn giản qua điện thoại, các món cỗ sẽ được giao tận nơi, đảm bảo về độ tươi ngon cũng như hình thức bên ngoài.

“Tôi thấy việc đặt món online giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Thực ra, việc đặt sẵn hay tự làm thì do mình quyết định và thực hiện thôi. Ai có thời gian và tâm huyết thì tự nấu là tốt nhất, còn người bận rộn hay sự chuẩn bị chưa được chu đáo có thể đặt bên ngoài. Ở nhà tôi, giò thì có thể mua sẵn, còn xôi thì nhất định sẽ tự đồ vì đó là nếp nhà. Miễn là mình hướng tới giá trị văn hóa truyền thống, hướng chung về cội nguồn, tổ tiên và được sum họp với gia đình trong không khí ngày Tết là được".

“Hiện đại hóa” mâm cỗ Tết và những tranh luận xung quanh

Sự pha trộn “cũ - mới” sẽ không thể tránh khỏi những luồng ý kiến khác nhau. Một số người lo ngại rằng việc thêm thắt món mới hay đặt online có thể làm mất đi văn hóa ngày Tết. Nhiều gia đình lại không coi đó là vấn đề: miễn vẫn giữ nguyên các món chính thì việc bổ sung thêm món mới sẽ giúp mâm cỗ trở nên phong phú hơn.

“Tôi thấy bây giờ người trẻ hay thích thêm món này món kia cho lạ miệng. Mỗi nhà một lối sống nhưng tôi vẫn lo nếu ‘hiện đại’ quá sẽ làm mất đi cái hồn vía Tết. Mỗi món trong mâm cỗ Tết là cả tấm lòng, công sức của người nấu. Tết là dịp để sum họp, mời tổ tiên về với gia đình, nên phải giữ sao cho đúng với truyền thống. Tôi nghĩ giữ nguyên những món hồi xưa là quan trọng nhất, bởi nó gắn liền với gốc rễ của người Việt mình.” - cụ Diên (80 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết.

“Điều tôi thấy quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên. Mâm cơm vẫn cần có bánh chưng, nem rán, xôi gấc,... nhưng có thể linh hoạt thêm vài món ăn nữa. Việc đặt cỗ sẵn cũng giúp người bận rộn duy trì được phong tục truyền thống ngày Tết. Miễn mình vẫn giữ được cái cốt lõi của Tết là lòng thành tâm và đừng quá sơ sài phần lễ là được” - chị Triều chia sẻ.

Hồn Tết ẩn trong sự thay đổi

Mâm cỗ Tết bày biện công phu của chị Phạm Thị Bích Hạnh. Ảnh: Hanh Pham

Xu hướng “hiện đại hóa” đã tô điểm cho mâm cỗ Tết thêm đa dạng, phong phú và tiện lợi. Dù tranh luận vẫn còn, phần lớn đều cho rằng lòng thành tâm và tinh thần sum họp là giá trị cốt lõi không thể thiếu. Cho dù đặt món online hay thêm chút sáng tạo thì đều là cách để dung hòa giữa nhịp sống hiện đại và bản sắc Tết Việt.

Chị Phạm Thị Bích Hạnh, chủ hệ thống cửa hàng Quán Ăn Ngon - từng nhiều lần được đề cử Michelin, cũng là người nặng lòng với ẩm thực truyền thống chia sẻ:

“Mâm cỗ Tết đối với người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung rất quan trọng. Tuy nhiên, trong cuộc sống xã hội hiện đại, nhiều người ngại làm, vì tính cầu kỳ của mâm cỗ. Đúng là ‘cầu kỳ’ đôi khi trở nên phù phiếm, khiến nhiều gia đình nhất là thế hệ trẻ tìm đến cách làm nhanh gọn hơn".

Chị Hạnh cho biết, trong cả một dòng họ thì ở thế hệ của chị cũng phải trăm người đều là người Hà Nội, nhưng giờ hầu như còn mỗi mình chị giữ được đúng kiểu mâm cỗ Tết xưa. “Truyền thống bị mai một dần bởi nhiều lý do - nhịp sống bận rộn, vấn đề kinh tế, thời gian... Trên cương vị là chủ chuỗi Quán Ăn ngon kinh doanh về ẩm thực Việt, tôi mang một trách nhiệm, sứ mệnh gìn giữ giá trị truyền thống ấy”, chị nói. Để làm được điều đó trong môi trường kinh doanh phục vụ hàng nghìn khách mỗi ngày, chị thường xuyên truyền đạt sự hiểu biết và niềm đam mê về ẩm thực truyền thống cho nhân viên:

“Có thể không phải ai cũng hiểu được hết giá trị của những món ăn, nhưng mình vẫn làm, vì yêu. Mà giờ yêu được cũng cần điều kiện chứ, điều kiện về thời gian, công sức, tiền bạc, Nếu không có những thứ đó thì lấy đâu ra mà yêu, xã hội bây giờ cái gì cũng nhanh, cũng số hóa rồi.”

Chị cũng thừa nhận rằng những thay đổi xung quanh mâm cỗ Tết đôi lúc là là giải pháp tiện lợi, đặc biệt là với những người có ít thời gian hay không có năng khiếu: “Nói đến thế hệ bây giờ có thể không hiểu được hết sự cầu kỳ của mâm cỗ Tết, nào là gói bánh chưng hay nấu canh măng làm sao cho đúng quy cách và chuẩn vị, đến việc sắp xếp món thế nào cho phải,... Nhưng mình cũng phải hiểu, phải thông cảm, mâm cỗ Tết bây giờ mình không làm được thì thôi mua, đặt sẵn, bán online vẫn tốt hơn là bỏ hẳn. Dù chị không khéo tay nhưng chị phải làm, để ngấm được cái khó của bà của mẹ mình, rồi nó sẽ thành trong máu, trong bản năng của mình".

Chị chia sẻ thêm, cửa hàng chị cũng có dịch vụ đặt sẵn, bán online mâm cỗ Tết với nhiều lựa chọn các món ăn khác nhau. Quán Ăn Ngon đi cùng với mục tiêu “Giữ gìn giá trị ẩm thực Việt” luôn nhấn mạnh rằng Tết luôn là dịp để quay về nhà, để tìm lại những hương vị xưa cũ đong đầy kỷ niệm bên gia đình. Dù bận rộn đến đâu cũng không thể bỏ qua những nghi thức truyền thống; bởi đó chính là khoảnh khắc thiêng liêng để tạ ơn trời đất, mong cầu một năm mới tài lộc đầy nhà, may mắn ngập tràn.

Thế mới thấy, trong cái thay đổi vẫn ẩn chứa “hồn” Tết - ở chỗ tinh thần trân quý những món ăn “xưa cũ”, nghi thức dâng cúng tổ tiên và sum vầy gia đình. Từ thời ông bà đến thời bố mẹ, rồi tới thế hệ con cháu sau này, mâm cỗ Tết chắc hẳn vẫn còn nhiều sự thay đổi. Miễn là ta còn duy trì lễ cúng gia tiên, vẫn đặt tấm lòng thành sự sum họp lên hàng đầu, thì mâm cỗ Tết dù có được biến tấu ra sao đi nữa vẫn giữ được “cái hồn, cái vía” Tết Việt cho hôm nay và cả mai sau.

Diệp Anh 

Từ khóa: mam co tet