Xã hội
Mèo Vạc huy động hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo
02:55 PM 06/12/2019
(LĐXH)- Những năm qua, công tác giảm nghèo được huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) xác định là nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội nên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác này và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Huyện Mèo Vạc nằm trong số 7 huyện nghèo theo Chương trình 30a của tỉnh Hà Giang (sau này có thêm huyện Bắc Mê), yếu tố địa hình và khí hậu khắc nghiệt nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Từ chỗ xác định, đảm bảo ổn định cuộc sống, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo phải là mục tiêu chính, huyện Mèo Vạc đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ động xây dựng chương trình công tác một cách sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo từ huyện đến xã, thị trấn... Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể giúp người dân vươn lên.
Nhiều hộ dân ở Mèo Vạc được hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo
Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã có thêm động lực thoát nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, từng bước hoàn thiện; đời sống của người dân, đặc biệt người nghèo, hộ nghèo được cải thiện, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao. Điều đáng nói, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân có sự chuyển biến rõ rệt; người nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân và chủ động tiếp cận chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo…
Thực hiện Chương trình 30a, năm 2019, huyện Mèo Vạc đã phân bổ, triển khai 16 công trình từ nguồn vốn đầu tư phát triển; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư để duy tu, sửa chữa các công trình xuống cấp; phân bổ kinh phí sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, trong đó đáng quan tâm là nhân rộng các mô hình giảm nghèo; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Và Xìa Lử ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) là một trong những hộ dân tộc Dao đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, kết vươn lên làm giàu nhờ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, kết hợp với trồng trọt. Ban đầu với nguồn vốn khiêm tốn, ông đã vay Ngân hàng chính sách 50 triệu đầu tư 2 con bò vỗ béo. Sau 6 tháng chăm sóc, vỗ béo, ông bán bò và thu được số tiền hơn 50 triệu đồng. Thấy nuôi vỗ béo bò có lãi, gia đình ông Lử tiếp tục đầu tư mở rộng đàn bò. Đến nay, nhờ nuôi bò vỗ béo, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Lử còn thu về hàng trăm triệu đồng từ tiền xuất bán bò.
Mô hình nuôi lợn nái đen của một thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng
Ông Và Xìa Lử chỉ là một trong số hàng trăm hộ nông dân ở huyện Mèo Vạc đã vươn lên làm giàu với sự “tiếp sức” của Nhà nước và chính quyền địa phương thông qua các mô hình như chăn nuôi vỗ béo trâu, bò; chuyên canh lúa chất lượng cao.... Chỉ tính riêng tại xã vùng cao Pả Vi, đến nay đã có hàng chục hộ phát triển chăn nuôi vỗ béo bò với thu nhập bình quân mỗi hộ vào khoảng 80 -100 triệu đồng/năm.
Một trong những mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế, giảm nghèo nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi lợn đen theo hướng hàng hóa phải kể đến Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với 11 thành viên tại 8 thôn bản. Hợp tác xã đang trong quá trình xây dựng thương hiệu hoàn thiện chuỗi, thực hiện đóng gói hút chân không và bảo quản lạnh để chuyển ra thị trường. Ngoài truyền đạt kiến thức chăn nuôi và cung cấp giống cho người dân, hướng dẫn các hộ nuôi, hợp tác xã còn bao tiêu luôn đầu ra. Đến nay, mô hình sản xuất của Hợp tác xã được coi là địa chỉ đỏ để lan tỏa cách giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát huy được thế mạnh của địa phương.
Với những nỗ lực trong việc triển khai các chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là việc hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đến cuối năm 2018, Mèo Vạc có 14.031 hộ thoát nghèo, gần 954 hộ thoát cận nghèo. Hiện Mèo Vạc đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.

Chí Tâm

 

Từ khóa: