Một số mục tiêu cụ thể về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) - Trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm y tế, đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.
Để có được những con số này, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội cũng như người lao động và bản thân người làm công tác liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp phải nỗ lực không ngừng nhằm củng cố, tư vấn, tham mưu hoàn thiện về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, nhân lực…
Trong thời gian qua, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thu thập thông tin về việc làm trống, người tìm việc và đưa số liệu này lên website của trung tâm, đồng thời kết nối với Cổng thông tin điện tử việc làm để có thể chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn quốc. Những dữ liệu này đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các trung tâm thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung và cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, giúp người lao động và người sử dụng lao động nhanh chóng nắm bắt được thông tin về cung cầu lao động.
Tính đến thời điểm này, Cục Việc làm đã có nhiều công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội tỉnh/thành phố về việc đề nghị triển khai mô hình hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm gắn với giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, một số địa phương đã chủ động áp dụng mô hình này theo điều kiện, cơ sở vật chất, đặc điểm của địa phương.
Về cơ sở vật chất, hầu hết các Trung tâm đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ như máy tính, máy in, máy photo, kết nối Internet... tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ bảo hiểm thất nghiệp trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, tại nhiều trung tâm dịch vụ việc làm số lượng người đến giao dịch ngày càng nhiều nhưng diện tích nhà làm việc còn chật hẹp, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp không thể đáp ứng với yêu cầu cho việc hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm trong thời gian tới (Nghệ An, Lâm Đồng, Bến Tre). Một số trung tâm dịch vụ việc làm chưa có trụ sở làm việc, các điểm tiếp nhận phải đi thuê, kho lưu trữ và trang thiết bị lưu trữ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chưa đúng tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được điều kiện làm việc của bộ phận giải quyết bảo hiểm thất nghiệp (Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trêncả nước có 63 phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc trung tâm dịch vụ việc làm, 234 điểm tiếp nhận và ủy thác tại các quận huyện. Một số địa phương có nhiều người thất nghiệp hoặc có địa bàn rộng, chưa có đủ các điểm tiếp nhận để phục vụ người thất nghiệp (Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Bình, Kom Tum...) khiến công tác giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại một số địa phương có thời điểm bị quá tải, người lao động phải đi rất xa để thực hiện các thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, song phần lớn đã được khắc phục. Đặc biệt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời các vướng mắc cho các địa phương liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp...
Với mục tiêu, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch. Cụ thể là đến đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN và đến năm 2031: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN...
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó chú trọng nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.
NHB
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48