Xã hội
Năm 2017, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm
03:17 PM 23/03/2017
(LĐXH) Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đó là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, cả nước có 2.338.569 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88%; 1.235.784 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương ĐÌnh Huệ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của bà còn dân tộc thiểu số
Thực hiện chính sách giảm nghèo, trong năm 2016, Bộ Lao động- TBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng như: Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 05/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 7/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nghèo áp dụng cho giai đoạn 2017-2020...
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo
Cùng với đó, theo chức năng thẩm quyền, Bộ Lao động - TBXH đã ban hành Thông tư 02/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1095/QĐ-LĐTBXH ngày 22/8/2016 về phê duyệt kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Năm 2016, ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 9.000 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho  trên 14 triệu đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo; 1.172 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trên 1,8 triệu người thuộc hộ cận nghèo; Về chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, ngân sách trung ương bố trí khoảng 5.649.031 tỷ đồng để miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho khoảng 3.807.187 đối tượng. Thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong 10 tháng đầu năm 2016, đã ký 11 hợp đồng đặt hàng đào tạo cho 237 lao động huyện nghèo để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 3 tháng cuối năm, tiếp tục ký các hợp đồng đặt hàng đào tạo hỗ trợ người lao động huyện nghèo tham gia đào tạo để đi làm việc ở các thị trường khác như Nhật Bản, Đài Loan, Trung đông, Malaysia... Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2016, cả nước đã thực hiện cho trên 862.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn và trên 21.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm, với tổng số tiền hơn 27.321 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo đúng quy định.
Năm 2016, Chương trình 135 đã bố trí hơn 3.493 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn...
Cùng với đó, Chương trình 30a đã phân bổ 3.027,5 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và thực hiện hỗ trợ phát triến sản xuất, xuất khẩu lao động. Chương trình 135 đã bố trí 3.493,809 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Trong năm 2016, đã thực hiện đầu tư xây mới và duy tu bảo dưỡng cho khoảng 1.200 công trình, tập trung chủ yếu vào đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học…; hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất. Đến nay, theo thống kê sơ bộ của các huyện, số hộ hưởng lợi từ dự án là trên 147.000 hộ; 100% các dự án phát triển sản xuất do xã làm chủ đầu tư. Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 36 tỉnh với tổng kinh phí 23 tỷ đồng (định mức 0,5 tỷ đồng/mô hình) và 11,7 tỷ đồng cho các Bộ, ngành trung ương. Trong đó, ưu tiên các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh có nhiều huyện nghèo, xã nghèo, khuyến khích địa phương có điều kiện bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện có hiệu quả mô hình giảm nghèo. Ước cả năm giải ngân đạt 100%, nhân rộng được 80 mô hình giảm nghèo bền vững (bình quân 300 triệu đồng/mô hình).
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá các chính sách, chương trình giảm nghèo cũng được chú trọng.
Trong năm 2016, Chính phủ đã bố trí 20 tỷ đồng cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và 11,7 tỷ đồng cho các Bộ, ngành trung ương để tổ chức tập huấn cho khoảng hơn 18 ngàn cán bộ giảm nghèo các cấp và người dân, qua đó giúp đội ngũ cán bộ cơ sở có thêm kiến thức và kỹ năng để tổ chức thực hiện các chính sách, dự án trợ giúp hộ nghèo; tổ chức 150 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn.
Với việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, ước tính cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống giảm còn 8,58 - 8,38%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trên cơ sở đó, năm 2017, Bộ Lao động - TBXH đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 1-1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo là 4%/năm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị Quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (nay là 64 huyện). Triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thu Hương
 
Từ khóa: