Nam Định: Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động
(LĐXH) Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, việc các doanh nghiệp tỉnh Nam Định đã quan tâm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường lao động nhằm ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp, coi đây là biện pháp quan trọng xây dựng doanh nghiệp bền vững.
Bác sĩ Phan Văn Tùng, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính: Bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp, như ảnh hưởng bởi các yếu tố trong quá trình sản xuất (vật lý, hoá học, sinh học) tác động trực tiếp đến người lao động hay người lao động làm việc quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức hoặc do điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh người lao động không đảm bảo. Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp còn xảy ra do người lao động chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình; trong khi người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động với người lao động. Theo quy định của Nhà nước, người lao động được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần; riêng người lao động làm việc nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động. Trong đó công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, như: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp… Sở Y tế và các ngành chức năng thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động có kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ, chứng nhận do tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thực hiện. Đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, kiểm tra sát hạch và được cấp chứng chỉ. Qua kiểm tra thực tế của các Đoàn liên ngành của tỉnh cho thấy những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. Hàng năm, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và số người lao động được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đáng chú ý là những doanh nghiệp có đông người lao động, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty May Sông Hồng, Công ty May Youngone Khu công nghiệp Hoà Xá (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản)… Theo lãnh đạo Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, để có lực lượng lao động khỏe mạnh, gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, giúp công ty phát triển và ổn định thì việc quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động luôn được lãnh đạo công ty đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao thu nhập cho người lao động, công ty còn tạo điều kiện cho công nhân đi khám sức khỏe định kỳ; nếu phát hiện người lao động có bệnh thì chuyển công nhân đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, công nhân nào sức khỏe không đảm bảo sẽ được điều chuyển sang bộ phận khác làm việc phù hợp với sức khỏe. Công ty trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động cho công nhân; nhà ăn và suất ăn đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, công ty áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ sức khỏe cho công nhân, từ trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, khử trùng nhà xưởng, đo thân nhiệt, bố trí nhà ăn, ca ăn phù hợp để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Một số người sử dụng lao động chưa quan tâm đầy đủ công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; số cơ sở sản xuất thực hiện công tác thống kê báo cáo định kỳ; lập hồ sơ vệ sinh lao động; hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động vẫn còn thấp. Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, nhất là ở làng nghề, chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức trong khi một bộ phận người lao động thiếu kỹ năng, không hiểu rõ về các yếu tố, tác hại nghề nghiệp trong môi trường làm việc.
Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn lao động; hướng dẫn, tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các công tác vệ sinh an toàn lao động, cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với người lao động. Bản thân người lao động cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp./.
Thanh Hương
Từ khóa:
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18
-
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
10-01-2025 11:07 44
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
12-12-2024 15:34 57
-
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
30-12-2024 15:09 04
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46