Xã hội
Nam Định: Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
02:30 PM 21/10/2021
(LĐXH) Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc, thời gian qua tỉnh Nam Định đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng nhằm triển khai hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật từng bước được cải thiện, tạo cơ hội bình đẳng cho họ trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có trên 42 nghìn người khuyết tật, trong đó có khoảng 32.200 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Để trợ giúp người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người khuyết tật.
Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với người khuyết tật, công tác vận động, huy động mọi nguồn lực để triển khai nhiều các hoạt động chăm sóc giúp đỡ, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần đối với người khuyết tật cũng được tích cực thực hiện. Hàng năm, Hội Người khuyết tật tỉnh đã phối hợp các ngành chức năng, các địa phương tìm cơ hội việc làm cho người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với những mô hình sinh kế hoạt động hiệu quả, có đầu ra sản phẩm; trợ giúp người khuyết tật tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề may công nghiệp, chạm khắc gỗ, xoa bóp bấm huyệt.
Dạy nghề cho người khuyết tật 
Với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và công đồng, nhiều người khuyết tật đã phát huy khả năng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thay vì thụ động tiếp nhận hỗ trợ từ cộng đồng thì nay, nhiều người đã luôn ý thức rất rõ ràng về việc vươn lên làm chủ cuộc sống, tự lực và hòa nhập với cộng đồng.
Ở xóm Phượng Tường 2, xã Việt Hùng (Trực Ninh) anh Trần Văn Thắng là tấm gương người khuyết tật vượt qua số phận vươn lên làm giàu với mô hình nuôi chim bồ câu trong nhà tầng. Sinh ra vốn khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đến năm 8 tuổi, chân tay của Thắng thường xuyên bị đau nhức, khó khăn trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Sau khi được bố mẹ đưa đi khám, chẩn đoán bị viêm cột sống dính khớp không thể chữa khỏi, Thắng chấp nhận cuộc sống với những cơn đau hành hạ mỗi ngày. Phải dừng việc học từ sớm, Thắng xin vào một xưởng gỗ gần nhà để học nghề chạm trổ với mong muốn có một công việc để tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, căn bệnh khiến cho Thắng không thể ngồi nhiều, năm 2014, anh mua 20 đôi chim bồ câu về nuôi.
Sau một thời gian chăm sóc, đàn chim phát triển lên 150 đôi. Thấy chim bồ câu dễ nuôi lại cho thu nhập ổn định nên anh tiếp tục nhân đàn mở rộng quy mô lên hơn 300 đôi. Năm 2016, với số tiền 270 triệu đồng mà anh tích góp được, cùng sự hỗ trợ của gia đình, anh xây căn nhà 2 tầng, mỗi sàn rộng 60m2 để nuôi chim. Với diện tích này, anh đang nuôi hơn 600 đôi chim bồ câu bố mẹ, trung bình mỗi tháng bán từ 300 đến 400 đôi chim bồ câu các loại, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng gần 15 triệu đồng/tháng.
Gần 20 năm trước, chị Trần Thị Nguyệt ở xóm Tiền, xã Kim Thái (Vụ Bản) đang làm công nhân trong một cơ sở sản xuất gạch thì bị máy nghiền nát chân trái. Từ một cô gái tràn đầy sức sống và niềm tin vào tương lai, chị co cụm lại và nhiều lần có suy nghĩ tiêu cực. Trước hoàn cảnh của Nguyệt, chi Hội Phụ nữ xóm Tiền đã đề xuất với xã cho chị mượn mảnh đất nhỏ trên con đường liên xã để dựng ngôi nhà tạm bán hàng tạp hóa. Hiện tại, chị Nguyệt đang có quãng thời gian ý nghĩa khi sống cùng với con trai 5 tuổi. Với đôi chân tật nguyền, việc sắp xếp hàng hóa, di chuyển, bưng bê còn có nhiều khó khăn, vất vả, nhất là những lúc phải đi lấy hàng xa nhưng chị cố gắng vượt qua. Chị tâm sự: “Khó khăn nhất của tôi là vượt qua được tâm lý mặc cảm của bản thân. Mặt khác, sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng, của các tổ chức hội là động lực để một người khuyết tật như tôi vươn lên làm chủ cuộc sống”.
Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ khá lớn người khuyết tật tỉnh Nam Định chưa được học nghề phù hợp, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để có thêm nhiều người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, rất cần sự hỗ trợ, chung tay góp sức của các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cộng đồng và ý thức nỗ lực vươn lên của chính bản thân mỗi người khuyết tật ./.
Sao Mai
 
 
Từ khóa: