Nam Định triển khai Dự án " Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin" giai đoạn 2017 -2020
(LĐXH) Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định thông qua với mục đích nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thông tin – truyền thông về công tác giảm nghèo cho cán bộ văn hóa – xã hội, thông tin cơ sở trên địa bàn. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; tăng cường nội dung thông tin, đa dạng hình thức thể hiện đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nâng cao khả năng tiếp cân thông tin của người dân. (Đăng ngày 24/6)
Mục tiêu mà tỉnh đặt ra là phấn đấu tới năm 2020, 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, tổ dân phố được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Từ đó, 100% các xã, phường, thị trấn được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác. Phấn đấu xây dựng ít nhất 1 cụm thông tin cơ sở tại khu vực biên giới biển, trung tâm du lịch của tỉnh.
Đối tượng đào tạo là các cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Phát thanh các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách công tác văn hóa và thông tin các xã, phương, thị trấn; cán bộ tuyên huấn của các Đồn biên phòng. UBND tỉnh đã mở 4 lớp đào tạo về bồi dưỡng kĩ năng thực hiện công tác tuyên truyền cho cán bộ làm công tác thông tin ở cơ sở cho 1150 lượt người; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo kỹ thuật, quản lý thông tin, kỹ năng viết tin bài và phát thanh cho hệ thống Đài truyền thanh cơ sở cho 600 lượt cán bộ phụ trách kỹ thuật, nội dung của Đài Phát thanh các huyện, cán bộ quản lý Đài truyền thanh các xã, thị trấn; mở 8 lớp bồi dưỡng cho 3150 cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở. Các lớp đào tạo đều là lớp ngắn hạn, phù hợp với từng nội dung, đối tượng đào tạo.
Bên cạnh việc đào tạo cán bộ, tỉnh còn đặt hàng sản xuất mới các phóng sự phát thanh, truyền hình tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu những cách làm hay, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các cá nhân, gia đình trên Báo Nam Định, chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chương trình phát thanh của Đài phát thanh các huyện, thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định đã phối hợp xây dựng chuyên mục về giảm nghèo trên báo Nam Định số cuối tuần với tần suất 1 tuần/số; kết hợp với Truyền hình tỉnh sản xuất 60 chương trình truyền hình mới, xây dựng 2 chương trình chuyên đề giảm nghèo mỗi tháng với thời lượng 5 – 10 phút trên Đài Phát thanh các huyện, thành phố.
Để việc tuyên truyền tới người dân có hiệu quả, tỉnh chỉ đạo xuống cấp xã, phường xây dựng các điểm tuyên truyền cổ động cố định nhằm cung cấp các nội dung thông tin, tuyên truyền trực quan phục vụ cho nhiệm vụ chính trị hoặc cập nhật thông tin thiết yếu đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Sau đó, tập trung thông tin tuyên truyền về sự kiện cụ thể trong thời gian nhất định để cung cấp thông tin, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương và các thông tin thiết yếu khác cho dân cư tại các điểm tuyên truyền thông qua triển lãm, tờ rơi, tờ gấp,…. Đặc biệt, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu được chọn là nơi thiết lập cụm thông tin cơ sở vùng biên giới biển và phát triển du lịch, được bố trí cụm màn hình LED 2 – 3 mặt, được lắp đặt trên trụ đỡ bằng bê tông cốt thép, kèm theo hệ thống trang thiết bị nghe nhìn, bao gồm: trang âm công suất lớn, các thiết bị nghe nhìn công nghệ kỹ thuật số, máy phát điện. Mục đích là để cập nhật, quảng bá kịp thời đến cộng đồng dân cư, khách nước ngoài các thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Như vậy, người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, từ đó các hộ nghèo và cận nghèo có thể chủ động tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp sản xuất, canh tác để tự thoát nghèo, thay đổi chất lượng cuộc sống.
Minh Ngọc
Từ khóa:
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35