Xã hội
Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí năm 2017
03:54 PM 12/05/2017
(LĐXH) - Trong 2 ngày 11-12/5/2017, tại TP. Bến Tre,Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí năm 2017”


TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên Tập Tạp chí LĐXH phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí LĐ&XH; bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; ông Nguyễn Minh Lập – Giám đốc Sở  LĐ -TBXH Bến Tre cùng với 85 cán bộ, phóng viên của 52 cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương khu vực phía Nam.

Nhà Báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN phát biểu tại Hội tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé cho rằng: Nhà báo đi làm công tác xóa đói gỉảm nghèo, sau những chuyến thực tế, trái tim rung cảm với sự nghèo khó của đồng bào. Nhà báo Nguyễn Bé cũng khẳng định: Các phóng viên, nhà báo qua việc đi thực tế sẽ hiểu rõ hơn về đời sống, hoàn cảnh của người nghèo, như vậy mới có sự đồng cảm với người dân nghèo, để thông tin rộng rãi ra công chúng. Qua đó huy động các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo. Chính sự rung cảm đó biến thành những tác phẩm mang sự rung cảm tới mọi người, huy động mọi người làm cùng mục tiêu và theo đạo lý.

Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở LĐ - TBXH tỉnh Bến Tre chia sẻ tại Hội thảo

Theo báo cáo, giảm nghèo là một trong những thành tựu quan trọng của đất nước sau 30 năm đổi mới, được Liên Hợp Quốc ghi nhận là điểm sáng của Thế giới. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn mới là gần 8,4%, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo còn khoảng 46,4%. Trọng tâm giảm nghèo giai đoạn mới sẽ chuyển từ chiều thu nhập sang 5 chiều nghèo xã hội cơ bản cùng hệ thống tiêu chí và thang điểm cụ thể nhằm đảm bảo tác động chính sách giảm nghèo đến hộ nghèo, hộ cận nghèo hiệu quả hơn.

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chia sẻ tại hội thảo: “Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò định hướng dư luận, thông tin tuyên truyền về giảm nghèo một cách thường xuyên, liên tục với mật độ tương đối lớn ở hầu hết các loại hình báo chí. Đồng thời, báo chí đã phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo như thực trạng, nguyên nhân nghèo đói, những bất cập về cơ chế, chính sách về lĩnh vực giảm nghèo, phản ánh gương thoát nghèo.Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng và hoạch định các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo”

TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Chu Thị Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo báo cáo tại Hội thảo

Bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: “Nhìn nhận thời gian qua, hệ thống chính sách giảm nghèo được điều chỉnh, sắp xếp theo hướng tập trung, ưu tiên đúng đối tượng. Đời sống của người nghèo được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2014 là 5,9%, cuối năm 2015 là 4,2%. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong mục tiêu thiên niên kỷ.

Mô hình nuôi bò thoát nghèo của ông Nguyễn Văn Tha, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, Bến Tre

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nhiều chính sách trong công tác giảm nghèo hiện đang không phù hợp với thực tế nhưng đến nay vẫn chưa bỏ được. Chủ trương trong chương trình giảm nghèo bền vững 2016-2020 là hạn chế chính sách cho không, chính sách mang tính bao cấp.Nhiều chính sách “không khả quan lắm” trong thực tế trong việc hỗ trợ cho người dân giảm nghèo”

Một trong những nguyên căn làm cho người dân nghèo mãi là do kiến thức của họ quá yếu. Chính vì thế, để công tác truyền thông được tốt, đặc biệt là truyền thông báo chí, phóng viên viết bài phải hiểu rõ được vấn đề" - ông Trần Công Ngự, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ như vậy tại Hội thảo.

"Ngoài yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, đất chật người đông, nguyên căn dẫn đến người dân tỉnh nghèo mãi là do kiến thức quá yếu, thậm chí có tính ỷ lại dẫn đến sức ỳ, không có ý thức vươn lên. Chính vì thế, chính sách lâu dài của tỉnh Bến Tre là đầu tư giáo dục cho thế hệ con em. Cụ thể, tỉnh xét duyệt cấp học bổng, giảm học phí cho con em các thuộc hộ nghèo." - ông Trần Công Ngự - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo và Tài tật tỉnh Bến Tre cho biết.

Mô hình các cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, Bến Tre

Còn nói thêm về lý do "nghèo bền vững", ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bến Tre cho rằng, công tác giảm nghèo gặp khó khăn một phần ở "năng lực tổ chức giảm nghèo của một số cơ quan có vấn đề (?) Cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo chưa chuyên nghiệp, làm việc mang tính hình thức, theo nhiệm kỳ". 

Mô hình nuôi bò của hộ nghèo anh Nguyễn Công Khanh - ấp Giồng Lực, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Tôm (Bến Tre) được Hội nông dân cho vay tiền để thoát nghèo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được các bài tham luận, ý kiến trình bày của Sở LĐ-TBXH Bến Tre, các nhà báo trong việc triển khai cũng như các giải pháp, kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác giảm nghèo hiện nay. Các nhà báo tham dự Hội thảo cũng được đi thực tế để tìm hiểu, viết bài tại các mô hình giảm nghèo có hiệu quả ở Bến Tre.

                                                                                                       Lê Việt

 

Từ khóa: