Xã hội
Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Hội đồng trẻ em”
02:54 PM 19/12/2019
Mô hình Hội đồng trẻ em là 1 trong 5 mô hình đã được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 và giao cho Đoàn thanh niên chủ trì thực hiện và xây dựng thí điểm. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn, Hội đồng Ðội T.Ư đã lựa chọn 5 tỉnh, thành phố, gồm: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Ðịnh, TP Hồ Chí Minh thí điểm xây dựng mô hình.
Thời gian qua, quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề về trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đoàn thanh niên và các đoàn thể xã hội cũng như các cấp chính quyền luôn lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã có nhiều hình thức hoạt động để thu hút tập hợp các em tham gia vào việc giáo dục bồi dưỡng các em, qua đó các em thấy được tiếng nói, quyền tham gia của mình, như: các em có quyền tham gia từ liên đội, chi đội của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong các nhà trường; tham gia vào các câu lạc bộ về học tập, rèn luyện, các lĩnh vực năng khiếu... Đây là những mô hình thực sự hữu ích và hiệu quả trong việc phát huy quyền tham gia của các em. Hội đồng trẻ em là nơi hội tụ được những ưu điểm của các mô hình thúc đẩy sự tham gia, quyền tham gia của trẻ em đã có trong thời gian vừa qua.
Để tạo được mô hình hoạt động có tính nổi trội có sự tương tác tiếng nói giữa người lớn và trẻ em tránh sự áp đặt một chiều giữa người lớn và trẻ em; hoặc trẻ em cũng không nghe được tiếng nói của người lớn thì sự tương tác hai chiều giữa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh với các em sẽ tạo ra một thiết chế tương đối bền vững do chính các em điều phối dưới sự dẫn dắt giúp đỡ hướng dẫn của các anh chị phụ trách Đội, các thầy cô giáo và phụ huynh. Chính qua hoạt động của mô hình này sẽ là phương thức, hình thức giám sát quyền trẻ em của những người làm công tác trẻ em và của các em tham gia vào quá trình giám sát đó.
Thông qua Hội đồng trẻ em, các em được nói lên tâm tư, nguyện vọng để các cấp, các ngành xem xét giải quyết
Tính đến nay, sau hơn hai năm triển khai mô hình, đã có 10 tỉnh, thành phố có Hội đồng trẻ em, trong đó 8 địa phương tổ chức ở cấp tỉnh, 2 địa phương tổ chức ở cấp huyện. Hội đồng trẻ em là một hướng đi mới trong tiến trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, tạo môi trường bình đẳng để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ cuộc sống và trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí. Ðồng thời, Hội đồng trẻ em đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ. Từ đó, thông điệp của các em được cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HÐND, UBND tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả, tích cực.
Trong năm 2019, Hội đồng Ðội T.Ư tiếp tục hướng dẫn, định hướng để các tỉnh có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình. Ðáng chú ý, tháng 6/2019, Hội đồng Ðội T.Ư đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức Plan International Việt Nam về "Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em" giai đoạn 2019 - 2021, trong đó xác định tập trung hỗ trợ thành lập Hội đồng trẻ em các cấp tại 5 tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.
Có thể thấy, thông qua những kết quả hoạt động ban đầu thời gian qua, Hội đồng trẻ em là mô hình cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy quyền tham gia của trẻ và các vấn đề liên quan trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, đây là mô hình còn mới, chưa được áp dụng cụ thể tại một nước nào trên thế giới cho nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều lúng túng. Việc tuyên truyền về hoạt động của mô hình Hội đồng trẻ em ở cấp cơ sở nơi các thành viên sinh hoạt và học tập còn hạn chế; nhiều phụ huynh, người phụ trách thiếu nhi chưa rõ nhiệm vụ của các thành viên tham gia Hội đồng trẻ em để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ. Trong quá trình hoạt động, các thành viên Hội đồng trẻ em còn thiếu kỹ năng; việc thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến chưa bao quát. Vai trò của ban tham vấn định hướng hoạt động cho Hội đồng trẻ em dù đã được quy định nhiệm vụ cụ thể nhưng trong quá trình thực hiện, một số đơn vị vẫn chưa phát huy hiệu quả, trách nhiệm của các thành viên.
Thời gian tới, để hoạt động của Hội đồng trẻ em thiết thực, hiệu quả, tổ chức đoàn, hội đồng đội các cấp cần nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chủ động tích cực, kiên trì trong việc tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức có liên quan. Thành viên Hội đồng trẻ em phải bảo đảm tính đại diện cho các địa phương, có cơ cấu hợp lý về dân tộc, độ tuổi, giới tính; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của thành viên ban tham vấn và thành viên Hội đồng trẻ em trong tiếp thu, lắng nghe, tổng hợp các vấn đề trẻ em trên địa bàn. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, trong đó cần chú trọng vai trò của cha mẹ và gia đình trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ. Tiếp tục giới thiệu, nhân rộng những mô hình Hội đồng trẻ em đang hoạt động tốt; đồng thời tạo điều kiện cũng như tháo gỡ khó khăn để Hội đồng trẻ em ở các tỉnh, thành phố phát triển các hoạt động vì trẻ em./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: