Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm DVVL tỉnh Tây Ninh
(LĐXH) - Tây Ninh là địa phương nằm trong vùng kinh tế năng động thuộc khu vực phía Nam, những năm qua công tác mời gọi đầu tư của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai tại tỉnh, kéo theo đó nhu cầu về nguồn lao động tăng cao.
Trung tâm DVVL Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động và dạy nghề theo quy định của pháp luật trên địa bàn Tây Ninh. Trước những nhu cầu tăng cao về việc làm, thời gian qua Trung tâm DVVL Tây Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao trình độ cho đội ngũ tư vấn viên, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, cập nhật liên tục thông tin về thị trường lao động,… giải quyết cho hàng chục nghìn lao động tại chổ.Ngoài ra, Trung tâm còn trực tiếp đến các doanh trại Quân đội, các trường nghề thực hiện công tác tư vấn việc làm-học nghề cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ trở về địa phương.Song song đó, những năm qua Trung tâm DVVL đã tổ chức thành công các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng tại KCN Phước Đông và lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Tại các phiên giao dịch việc làm này, có sự tham gia của nhà tuyển dụng, các hồ sơ xin việc cũng như ứng viên sẽ được phỏng vấn trực tiếp và ký hợp đồng trực tiếp. Hiệu quả của các phiên giao dịch đã nhân được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động tại tỉnh.
Tính riêng năm 2018, Trung tâm đã tổ chức tốt việc tư vấn việc làm-học nghề cho 19.017 người đạt 106% so kế hoạch; giới thiệu việc làm – cung ứng lao động cho 2.650 lao động đạt 132,5% so kế hoạch; tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm đạt 100% so kế hoạch…Đóng vai trò là cầu nối giữa người sử dụng lao động với người lao động, từ năm 2015 đến tháng 05/2019 Trung tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan như: Trung tâm DVVL KCN Phước Đông, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Phòng LĐTBXH các huyện/thành phố tổ chức được 62 phiên GDVL, 394 doanh nghiệp tham gia và tiếp nhận được 10.206 lao động.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm ở Trung tâm đã đạt được kết quả quan trọng: Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm tỷ lệ cao. Trung tâm triển khai giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phương châm ba đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”. Việc thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp gắn chặt với việc tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và học nghề để người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống; số người thất nghiệp có nhu cầu học nghề và được hỗ trợ học nghề tăng mạnh qua từng năm. Trong vấn đề chi trả BHTN, Trung tâm tập trung cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người thụ hưởng tại Bộ phận một cửa, đồng thời thường xuyên cập nhật các chính sách mới, tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động hằng tháng nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với thông tin, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm mới, tái hòa nhập thị trường lao động.
Mặc dù vậy, hiện nay, tình trang thiếu hụt lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang diễn ra khá phổ biến. Đây được xem là một trong những bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng số lượng lao động lớn.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp dù đã đăng tuyển lao động từ khá lâu, tham gia rất nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của tỉnh, Tỉnh đoàn Tây Ninh... nhưng số lao động được tuyển vẫn thấp so với nhu cầu. Việc tìm kiếm lao động, khắc phục vấn đề về thiếu hụt nhân lực trở thành một trong những nỗi lo rất lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Thuận -GĐ Trung tâm DVVL Tây Ninh cho biết: “Trung tâm đang gặp khó khăn về nguồn lao động vì hiện nay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất cao mà nguồn lao động trong tỉnh đang rất ít. Vì thế, cần phải có sự đầu tư tạo nguồn lao động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là đối với doanh nghiệp nằm trong khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài tỉnh có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động”.
Đơn cử như tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn VMC Hoàng Gia (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có 100% vốn nước ngoài), chuyên hoạt động về lĩnh vực sản xuất giày xuất khẩu đang cần tuyển thêm từ 3.000 đến 4.000 công nhân để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng công nhân của Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Tượng tự, Ông Tseng Wu Jen, Giám đốc chấp hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Hung Việt Nam, có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu, tại Khu Công nghiệp Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện số lao động làm việc tại Công ty đã giảm hơn so với năm 2018 là 1.600 lao động (giảm từ gần 15.600 người năm 2018 xuống còn gần 14.000 người trong năm 2019). Công ty tuyển dụng lao động liên tục nhưng vẫn thiếu khoảng 2.000 lao động.
Còn theo ông Thái Trường Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng, có trụ sở tại phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (chuyên lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và xây dựng cầu đường) cho biết, hiện Công ty có khoảng 580 lao động chính quy và hơn 800 lao động làm việc theo mùa vụ. Tuy nhiên, do Công ty hoạt động đặc thù là ngành xây dựng nên việc tuyển dụng lao động luôn gặp khó khăn, mặc dù đã trả lương cao hơn mặt bằng chung của tỉnh từ 30% đến 50% và áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ nhưng vẫn khó khăn trong công tác tuyển dụng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn tới, Trung tâm DVVL Tây Ninh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động: duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua Website, các phiên giao dịch việc làm, để giải quyết nguồn lao động tại chổ. Bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính,đặc biệt là liên quan đến các chính sách cho người được hưởng BHTN đi đôi với công tác đào tạo nghề, hỗ trợ người thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động cũng như xuất khẩu lao động.
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48