Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp giải quyết thông qua xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế liên quan. Cụ thể như phê chuẩn các Công ước của ILO: Công ước 138 về độ tuổi tối thiểu (phê chuẩn năm 2003) và Công ước 182 về xóa bỏ các hình thức trẻ em tồi tệ nhất (phê chuẩn năm 2000). Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu của Liên minh đối tác toàn cầu về xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em (LĐTE)nặng nhọc, nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề LĐTE, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới.
Đói nghèo và di cư là hai nguyên nhân chính khiến các em phải tham gia lao động và chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng gia đình. Vì thế, theo khuyến nghị của ILO, ngoài nỗ lực giám sát và xử lý vi phạm thì việc hỗ trợ sinh kế, tăng cường xây dựng mạng lưới chính sách bảo trợ và phúc lợi xã hội, giải quyết công ăn việc làm ổn định, tăng cường an toàn vệ sinh và cải thiện điều kiện lao động.
Bên cạnh đòi hỏi cần có sự phối hợp đa ngành, việc phòng chống LĐTE có thể phòng ngừa bằng phương pháp tiếp cận tổng thể. “Khi cùng một lúc giải quyết vấn đề nghèo đói, thiệt thòi và bất bình đẳng; cải thiện tiếp cận chất lượng giáo dục và các chương trình giáo dục kỹ năng làm việc cho trẻ em và người sắp thành niên; huy động sự ủng hộ của cộng đồng tôn trọng quyền trẻ em”, bà Lê Hồng Loan Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam khẳng định. Theo đó, những hoạt động phòng chống LĐTE hiệu quả cần phải giải quyết đầy đủ một loạt các vấn đề gây tổn thương cho trẻ em. Do đó, những bước tiến trong việc xóa bỏ LĐTE gắn liền với việc giảm thiểu những vấn đề dễ gây tổn thương cho trẻ, giảm nhẹ những cú sốc về kinh tế, hỗ trợ cho các gia đình dễ bị tổn thương có một mức thu nhập thường xuyên đủ để sinh hoạt và tăng cường các chính sách bảo trợ xã hội như trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế và các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Cần phải đưa ra quy định về điều kiện làm việc đối với những trẻ em đủ tuổi lao động; thay đổi những quan niệm xã hội và thái độ của người dân theo hướng không chấp nhận LĐTE, lồng ghép các vấn đề về LĐTE vào kế hoạch của ngành giáo dục; khuyến khích khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội hành động chấm dứt LĐTE.
Hệ thống pháp luật lao động Việt Nam cần được điều chỉnh một số nội dung liên quan đến cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt làm rõ những khái niệm và quy định về LĐTE. Cần cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức nhận diện về vấn đề LĐTE và giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định về sử dụng LĐTE; cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của việc không tuân thủ; thường xuyên cập nhật danh sách các công việc nguy hiểm, độc hại; củng cố cơ chế thực thi pháp luật, thúc đẩy quản lý an toàn vệ sinh lao động…
Đến thời điểm này, rào cản chính ngăn cản sự thay đổi về hành vi và thái độ đối với việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE nằm ở nhận thức của các đối tượng liên quan. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với vấn đề LĐTE (được tính toán hợp lý tùy thuộc yếu tố vùng miền, đối tượng hướng tới) là việc làm cần thiết. Đồng thời, các chương trình giáo dục an toàn, vệ sinh lao động trong nhà trường cũng nên được triển khai để trẻ em biết về những rủi ro trong lao động.
Vừa qua, Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (BEA/VCCI) với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam của ILO đã giới thiệu bộ tài liệu Hướng dẫn phòng ngừa lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp. Tài liệu được xây dựng dựa trên những hướng dẫn của Chương trình Quốc tế về Xóa bỏ Lao động trẻ em (ILO - IPEC) và cập nhật phù hợp với thực tế Việt Nam, giúp doanh nghiệp có góc nhìn tổng quan về lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong kinh doanh. Đồng thời, tài liệu cũng cung cấp những kiến thức cơ bản để nhận biết thế nào là lao động trẻ em, gợi ý những hành động thiết thực của doanh nghiệp để loại trừ những nguy cơ và hậu quả khi sử dụng lao động trẻ em. BEA/VCCI còn giới thiệu cuốn Quy tắc ứng xử của người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong các lĩnh vực da giày và may mặc; chế biến thủy sản; chế tác đá và gỗ; thủ công mỹ nghệ (mây tre đan, chiếu cói, thêu ren). Quy tắc ứng xử này được xây dựng dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp của một số người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và An Giang.
Trần Huyền
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08