Nể phục tấm gương thương binh trồng bưởi nức tiếng xứ Cù Lao Dung
(LĐXH)- “Vua bưởi Cù Lao Dung” là tên gọi vừa dân giã, vừa nể phục người dân dành tặng cho vị bác sĩ quân y nghỉ hưu, thương binh 4/4 Ong Văn Hùng (dân địa phương gọi là ông Tư Hùng, 80 tuổi) ở ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung, huyện đảo Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ông là người đem giống bưởi Năm Roi về “thuần hóa” tại vùng khó khăn, ngập mặn quanh năm này.
Trong câu chuyện với phóng viên giữa vườn bưởi xum xuê trái, thương binh Ong Văn Hùng vẫn nhớ như in quãng đời quân ngũ gian khó nhưng vẻ vang của mình. Ông là người gốc ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Năm 1959, giống như bao thanh niên của vùng quê hương cách mạng Long Mỹ, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được đơn vị cử đi học cứu thương.
Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng ông lúc nào cũng có mặt tại bệnh viện quân y để cứu chữa cho đồng đội. Trong một lần băng bó vết thương cho một chiến sĩ bị thương tại trạm quân y dã chiến, ông bị dính đạn của địch.
Hòa bình lập lại, ông tiếp tục học lên bác sỹ, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân y tỉnh Hậu Giang cũ cho đến khi về nghỉ hưu năm 1982 sau hơn 20 năm công tác trong quân đội. Ông trở về quê vợ ở Cù Lao Dung sinh cơ lập nghiệp. Vợ ông, bà Trần Thị Minh Tuyết, cũng là y tá chung đơn vị, nên hai ông bà cùng đồng sức, đồng lòng bắt tay gây dựng cơ ngơi từ đầu.
“Ngày đó xứ đảo này khó khăn lắm, là vùng sâu vùng xa của tỉnh Hậu Giang (cũ). Đất đai nhiều nhưng chưa có bàn tay con người khai phá nên bà con thường xuyên mắc bệnh. Đời sống rất khó khăn vì diện tích nước ngập mặn nhiều. Cây mía lúc bấy giờ được nhân dân trồng là chủ yếu, nhưng năng suất không cao. Lúc đầu, tôi cũng trồng mía nhưng giá cả không ổn định, bấp bênh. Do đó tôi nghiên cứu tìm hiểu cây trồng khác. Tình cờ tôi đi đến huyện Châu Thanh (Hậu Giang), thấy người dân phát triển cây bưởi Năm Roi rất hiệu quả nên tôi đem về trồng thử” – ông Tư Hùng kể. Thương binh Ong Văn Hùng chăm sóc vườn bưởi xum xuê trái của gia đình
Ông đã lăn lộn khắp các địa phương ở Sóc Trăng để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng giống bưởi đặc sản miền Tây này. Ông đã mày mò tìm cách “thuần hóa” bưởi cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt cho quả ngọt. Lúc đầu, ông chỉ trồng vài chục gốc thử nghiệm và sử dụng những kinh nghiệm học hỏi được để chăm sóc cây.
Ông vô cùng phấn khởi khi thấy bưởi phát triển tốt, sau 2 năm đã cho thu hoạch lứa đầu. Ông Tư Hùng vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên hái bưởi trên cây xuống ăn thử và nhận thấy múi bưởi ruột trắng, ít hạt, nhiều nước, vị chua ngọt, thơm mát, để càng lâu càng ngon, không thua kém bất cứ bưởi trồng nào ở miền Tây.
Cứ thế, ông mua thêm đất ruộng, mở rộng diện tích lên 4 héc ta như ngày nay. Nhờ đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên nhiều năm liền, sản lượng bình quân mỗi năm từ 50 – 60 tấn bưởi. Từ năm 2018 đến nay, từ vườn bưởi đã cho ông lãi tiền tỷ mỗi năm. Giống bưởi độc đáo từ xứ Cù Lao Dung này hàng chục năm qua đã xuất hiện trên thị trường tỉnh Sóc Trăng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, nên ông không bao giờ lo “ế hàng” hay bị ép giá. Cái tên “Vua bưởi Cù Lao Dung” cũng được nhân dân, báo đài địa phương vui miệng dành tặng cho ông từ đó.
Được biết, các kỹ sư nông nghiệp của Đại học Cần Thơ đã nhiều lần về thăm quan, đúc rút kinh nghiệm từ việc phát triển giống bưởi Năm Roi của ông ở vùng nước lợ này. Đầu năm 2020, một số kỹ sư xuống thăm và tư vấn ông cắt trái để dưỡng cây vì sợ hạn mặn cây sẽ chết.
Nhưng ông bảo: “Tôi phát triển cây mùa nghịch. Mùa mà các nhà vườn không có, nhưng mình lại có nên giá được cao hơn. Với lại tôi hiểu đặc tính của vườn cây nhà mình, chúng đã quen với thổ nhưỡng ở đây rồi, nên không thể chăm cây theo kiểu khác được. Tôi vẫn áp dụng khoa học tiên tiến, nhưng mình phải có bí quyết riêng, cho cây ra trái theo mùa như ý muốn”. Thế nên vừa qua, các kỹ sư này khi trở về thăm lại đã rất ngạc nhiên và thán phục trước tài chăm cây của ông.
Đầu năm 2019, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bà Mai Thị Hạnh, cũng đã tới thăm gia đình cựu chiến binh Tư Hùng, trao tặng ông và bà con quà, thùng đựng nước ngọt; đồng thời động viên, cổ vũ ông phát triển hơn nữa giống bưởi đặc sắc này. Thực tế những năm qua, bất kỳ có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm về trồng bưởi, ông luôn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ từng công đoạn.
Giọng nói rổn rảng, nụ cười sáng khoái, ông cho biết bản thân vẫn khỏe mạnh ở tuổi 80 và sẽ còn lao động, sản xuất cho đến khi “thân tàn, sức kiệt”. Nói về bí quyết để có sức khỏe như ngày hôm nay, thương binh Tư Hùng hồ hởi: “Đó chính là thời gian được tôi luyện trong quân ngũ. Ở bộ đội hai mấy năm nên khi nghỉ hưu cũng thành thói quen rồi, giờ nào việc nấy, thành phản xạ có điều kiện. Hôm nào không được đụng tay chân là không chịu được”.
Cứ đều đặn ngày nắng cũng như mưa, ông thức dậy vào lúc 5h30. Không tập thể dục, ông quan niệm vì dân lao động, nên ăn sáng xong là ra vườn làm việc, chăm cây, cần mẫn đến 11h về ăn cơm. Chiều 13h thức dậy, uống một ly cà phê rồi lại tiếp tục ra vườn đến 18h về tắm rửa, ăn cơm.
Buổi tối ông nghỉ ngơi, xem thời sự trên truyền hình để nắm tình hình trong nước, quốc tế và đi ngủ lúc 21h30. Ngày cuối tuần hoặc dịp lễ tết, ông tranh thủ tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên hội cựu chiến binh, gặp gỡ bạn bè; hay bà con chòm xóm chẳng may gặp chuyện đau ốm bất thường, ông sẵn sàng trợ giúp bằng vốn kiến thức có được.
Ông Tư Hùng hiện sinh hoạt đảng, hội cựu chiến binh ở địa phương và nhiệt tình trong công tác xây dựng thôn ấp văn hóa, không có tệ nạn xã hội. Bốn người con của ông bà nay đã trưởng thành, trong đó có 3 người nối nghiệp cha mẹ trở thành bác sĩ, dược sĩ. Gia đình ông cũng đóng góp tích cực cho các loại quỹ như “Quỹ khuyến học”, “Quỹ vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Ông được địa phương tín nhiệm cử đi báo cáo điển hình lao động tiên tiến nhiều lần ở tỉnh Sóc Trăng. Ông vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, ông Tư Hùng còn nhận được 5 Bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng và nhiều Giấy khen của UBND, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng và huyện Cù Lao Dung./.
Tân Khang
Từ khóa:
-
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
05-11-2024 14:48 45
-
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
27-11-2024 14:29 04
-
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
27-11-2024 14:28 55
-
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
26-11-2024 14:41 29
-
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
22-11-2024 14:47 03
-
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
26-11-2024 14:34 37