Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội: Nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác năm 2022
Kết quả ấn tượng trong lĩnh vực giải quyết việc làm, đào tạo nghề
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, ngay từ đầu năm 2022, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai các kế hoạch, chương trình về công tác GQVL cho người lao động (NLĐ) và công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động (TTLĐ), GQVL cho NLĐ nên tạo được nhiều việc làm mới, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) tăng cao.
Nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đến nay hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Kết quả, năm 2022, thành phố đã GQVL cho 203.027/160.000 LĐ, đạt 126,9% KH năm, tăng 23.379 lao động (LĐ) được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của Hà Nội ở mức 3,18%, đạt chỉ tiêu <4% do thành phố đề ra, giảm 0,79% so với năm 2021.
Chính sách tiền lương được thực hiện tốt, quan hệ LĐ trong các DN tiếp tục được duy trì sự hài hòa, ổn định và tiến bộ. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được duy trì thực hiện tốt. Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận, thẩm định 72.680 hồ sơ hưởng BHTN; Sở đã ra Quyết định hưởng BHTN cho 70.232 người, số tiền hỗ trợ là 1.873 tỷ đồng. Trung tâm đã tư vấn giải quyết việc làm cho 72.680 người; hỗ trợ học nghề 1.581 người, số tiền hỗ trợ 7,043 tỷ đồng.
Đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội
Về công tác ATVSLĐ, Sở đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND Thành phố về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng và doanh nghiệp trên địa bàn.
Sở đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn Hà Nội và tham mưu thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2022. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 307 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 14/12/2022, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo cho 251.500/224.500 lượt người (trình độ cao đẳng 33.700 người; trung cấp 27.900 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 189.900 người), đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần đáng kể trong việc cung cấp nguồn LĐ qua đào tạo cho TTLĐ Thủ đô.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...
Việc gắn kết với DN trong công tác đào tạo nghề được thành phố chỉ đạo quyết liệt, trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động gắn kết. Kết quả, các cơ sở GDNN đã hợp tác với hơn 750 lượt DN để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho DN. Sở cũng đã phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố ban hành kế hoạch và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho gần 21.000 LĐ tại các DN nhỏ và vừa.
Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, tỷ lệ LĐ qua đào tạo năm 2022 trên địa bàn Hà Nội đạt 72,23%, vượt 0,03 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra, và tăng 1,13 điểm phần trăm so với năm 2021 (trong đó tỷ lệ LĐ có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra, và tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2021 và cao hơn 25,5 điểm % so với tỷ lệ LĐ có bằng cấp chứng chỉ chung của cả nước).
Đồng chí Bạch Liên Hương thăm, tặng quà người có công huyện Ứng Hòa Quan tâm, chăm lo chu đáo người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội
Thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 và Quyết định số 5073/QĐ-UBND ngày 02/12/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường, nhằm đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là người có công (NCC) với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), người có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ mất việc làm do dịch bệnh Covid-19, người tử vong dương tính với Covid-19, Sở đã đề xuất thành phố xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, 08 nhóm đối tượng ngoài quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg được thành phố hỗ trợ với số tiền 315,6 tỷ đồng.
Tiếp nối các chính sách an sinh xã hội (ASXH) chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân, DN khó khăn trong đại dịch như Nghị quyết 42 (năm 2020), Nghị quyết 68 (năm 2021) của Chính phủ, thì việc kịp thời tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai Quyết định số 1426/2022/QĐ-UBND theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, làm gia tăng năng lực hoạt động của hệ thống ASXH trong việc ứng phó kịp thời với những khó khăn, trở ngại do đại dịch mang lại. Công tác tổ chức hỗ trợ cũng được các địa phương thực hiện trên tinh thần khẩn trương, minh bạch, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho NLĐ. Thành phố đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ cho 416.644 LĐ với kinh phí hơn 218,6 tỷ đồng.
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng luôn được thành phố quan tâm, chăm lo chu đáo; công tác đền ơn đáp nghĩa (ĐƠĐN) được nhân dân hưởng ứng sâu rộng. Trong năm, Sở đã tham mưu tổ chức và hoàn thành tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Kết quả: 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được công nhận là làm tốt công tác ĐƠĐN ; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. Toàn thành phố đã vận động được hơn 46,45/23,2 tỷ đồng vào Quỹ ĐƠĐN, đạt 200,2% KH; tặng 6.208/3.021 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 9,6 tỷ đồng, đạt 205,5 % KH...
Đồng thời, Sở LĐTBXH đã tham mưu HĐND thành phố ban hành riêng 2 Nghị quyết chuyên đề của thành phố về chính sách đặc thù cho NCC và chế độ quà Tết, 2/9: 27/7; Tết thiếu nhi 1/6; Rằm Trung thu cho NCC và thân nhân NCC; các đối tượng BTXH, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, công nhân LĐ, TE có hoàn cảnh đặc biệt, TE thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Sở cũng tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thành phố sẽ tặng quà Tết cho 1.082.204 người với tổng kinh phí dự kiến là hơn 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp. Các đối tượng được tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cơ bản giữ nguyên như năm 2022. Tuy nhiên, số lượng đối tượng được tặng, mức quà và kinh phí để tặng quà tăng lên so với kế hoạch năm trước. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo toàn diện đến các đối tượng chính sách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, bảo đảm mọi người, mọi nhà được vui đón Tết.
Công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp; người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2022, toàn thành phố còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân; còn 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 1% tổng số hộ dân toàn thành phố.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (TE) và bình đẳng giới luôn được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc huy động nguồn lực tham gia bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ TE có hoàn cảnh đặc biệt, TE gặp khó khăn, TE nhiễm Covid- 19, TE bị mồ côi... được quan tâm, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân. Đến nay, có 99,9% TE có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội được chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau. Các chỉ tiêu về bảo vệ chăm sóc TE đều đạt kế hoạch đề ra.
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, toàn thành phố đã vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 1.101/950 người nghiện ma túy, đạt 115,9% KH được giao, có 27 đơn vị đã đạt và vượt chỉ tiêu. Toàn thành phố có 263/259 xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, đạt 101,5% chỉ tiêu năm 2022, tăng 176 mô hình so với năm 2021.
Công tác giải quyết đơn thư được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, làm người dân yên tâm và hài lòng. Công tác phòng chống tham nhũng đã được Sở và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai tích cực, đồng bộ, có hiệu quả. Năm 2022, Sở không để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí tại đơn vị. Công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và sự minh bạch trong hoạt động của Sở LĐTBXH Hà Nội đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở và các đơn vị trực thuộc tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm 2022, Sở tiếp nhận 43.215 hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực LĐ, NCC và xã hội. Trong đó, đã giải quyết đúng hạn 41.717 hồ sơ; đang giải quyết trong hạn 1.498 hồ sơ, không có hồ sơ nào quá hạn.
Những kết quả công tác mà Sở LĐTBXH Hà Nội đạt được trong năm 2022 đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo ASXH, an dân và an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô./.
Bạch Liên Hương
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội