Xã hội
Nghề công tác xã hội: Nghề của lòng nhân ái
04:00 PM 02/11/2019
(LĐXH) - Với những người làm công tác xã hội (CTXH), kiến thức không chưa đủ, mà đòi hỏi phải có lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng.
Công tác xã hội (CTXH) là hoạt động phát hiện, giúp đỡ những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn. Có thể họ là bảo mẫu, “mẹ”, “cha” của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; giáo viên của những đứa trẻ bị tự kỷ, khuyết tật... Đó là hình ảnh của những người làm nghề công tác xã hội. Khó khăn, vất vả nhiều khi không đong đếm được nhưng họ luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cái tâm bởi nghề công tác xã hội là nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái…... nhằm giúp họ vượt qua những rào cản của cuộc sống, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội và giúp họ phát triển, hoà nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất.
Trẻ mồ côi được chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh. 
Đến thăm Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, tận mắt thấy các “mẹ” tận tụy chăm sóc cho những “đứa con” của mình, chúng tôi thấy thật xúc động. Những đứa trẻ ở đây, mỗi đứa một hoàn cảnh, một thể trạng khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe tốt cho các bé, hiện Trung tâm phân công nhân viên trực 3 ca/ngày, đảm bảo trực 24/24h. Trong sinh hoạt hàng ngày, luôn đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tuy nhiên, do trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé sơ sinh không được bú sữa mẹ nên sức đề kháng yếu hơn. Những đêm các con khó ở vì sốt, nôn, quấy khóc, những lần các con phải đi bệnh viện dài ngày, các “mẹ” ở Trung tâm lại phải phân công, chia sẻ công việc với nhau để túc trực, chăm sóc các con. “Mình cho đi tình yêu thương sẽ được nhận lại sự yêu thương. Đặc biệt, với các con ở đây, các "bố", "mẹ" ở Trung tâm là nguồn yêu thương duy nhất. Còn đối với các "bố", "mẹ" ở Trung tâm, nụ cười của các con cũng chính là nguồn vui để tiếp tục cống hiến, tâm huyết và gắn bó với nghề” – Một người “mẹ” ở Trung tâm chia sẻ.
Nhìn các em khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, mỗi thành viên trong Cơ sở không giấu được niềm tự hào cũng như mong muốn các em tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và khẳng định mình. Năm học 2018 – 2019, 100% trẻ ở Cơ sở đi học các cấp được lên lớp, trong đó có 57% là học sinh khá, giỏi; có 4 trẻ được tư vấn tham gia học nghề tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo KOTO. Ngoài chế độ được hưởng theo quy định của Nhà nước, Cơ sở trực tiếp liên hệ với nhà trường để bảo đảm việc ăn nghỉ cho các em; hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí để các em không thiếu thốn, thiệt thòi so với bạn cùng trang lứa.
ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, cho biết: Cùng với chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh cũng là nơi kết nối, đưa những tấm lòng thiện nguyện của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận khoảng 3,7 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật. Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, Quỹ chú trọng vận động tổ chức các chương trình khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng miễn phí cho trẻ khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, các bệnh về mắt... Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho 10 trẻ được phẫu thuật tim, 20 trẻ phẫu thuật dị tật mắt với kinh phí trên 500 triệu đồng. Cùng với đó, nhiều em đã được hỗ trợ học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập, hỗ trợ tiền đò cho trẻ em đi học qua vùng sông nước... nhằm chia sẻ, động viên, giúp các em vượt qua khó khăn.
Khó có thể đong đếm được những vất vả của người làm nghề công tác xã hội. Đối với trẻ tự kỷ, do liên quan đến sự phát triển bất thường của não bộ nên việc dạy các em cần sự kiên trì và nhẫn nại, tấm lòng thương yêu bao la. Khó khăn là thế nhưng họ luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cả cái tâm bởi công tác xã hội là nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái./.
Cảnh Minh
Từ khóa: