Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, đã tạo ra một áp lực lớn lên xã hội. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị Trung Quốc lên tới 17,6% vào tháng 9/2024. Dữ liệu này không bao gồm học sinh đi học. Nhiều thanh niên Trung Quốc, bao gồm cả những người có trình độ đại học, đã phải chấp nhận các công việc có mức lương thấp hơn hoặc không phù hợp với chuyên môn của mình. Một số khác lựa chọn dựa vào hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc tiếp tục học lên cao hơn với hy vọng cải thiện triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, việc sở hữu bằng cấp cao không còn đảm bảo một công việc ổn định như trước đây, khiến nhiều người trẻ phải hạ thấp kỳ vọng hoặc chuyển hướng sang các lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh đó, một xu hướng tiêu dùng mới nổi lên mạnh mẽ, đó là "kinh tế cảm xúc", nơi người trẻ tìm kiếm sự giải tỏa, niềm vui và kết nối thông qua những sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị tinh thần. Thay vì chỉ tập trung vào những nhu cầu thiết yếu, các dịch vụ làm đẹp, người trẻ Trung Quốc ngày nay đang có xu hướng chi tiền cho những thứ mang lại cảm xúc tích cực, giúp họ quên đi những lo lắng và áp lực trong cuộc sống. Điều này đã tạo ra một làn sóng tiêu dùng mới, nơi mà các sản phẩm và dịch vụ tập trung vào việc mang lại trải nghiệm độc đáo, sự kết nối và niềm vui.
Theo Chinanews, Lý Mẫn, một 9x làm công việc thiết kế ở Hồ Nam, là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Mỗi tuần, anh đều đến một cửa hàng đồ ăn vặt siêu lớn để mua những món đồ ăn "khổng lồ" như khoai tây chiên dài hơn một mét, bánh cay siêu to hay thùng mì ăn liền cỡ đại. Không chỉ mua sắm, Lý Mẫn còn chụp ảnh cùng những món đồ này và đăng lên mạng xã hội, coi đây là một cách để thể hiện bản thân và tạo ra những trải nghiệm thú vị. Anh thừa nhận mình đang chi tiền cho cảm xúc, bởi những món đồ ăn vặt lớn đánh trúng tâm lý của những người trẻ thích trải nghiệm độc đáo.
Không chỉ có đồ ăn vặt, các sản phẩm "Guzi" (đồ chơi, phụ kiện từ truyện tranh, phim hoạt hình, game) cũng đang trở thành một xu hướng được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Tại các cửa hàng Guzi xung quanh quảng trường Hoàng Hưng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, rất đông các bạn trẻ mặc trang phục cosplay tụ tập để chọn mua huy hiệu, bảng mica, móc khóa và mô hình. Với họ, "Guzi" không chỉ là một món hàng mà còn là sợi dây tình cảm kết nối họ với các nhân vật hoạt hình yêu thích, mang lại cho họ cảm giác được đồng hành và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ cũng tìm đến những hoạt động "chữa lành" như trồng tiểu cảnh rêu. Tiết Tử Hâm, một thanh niên sinh năm 1997 đã mở một cửa hàng trực tuyến chuyên bán các sản phẩm tiểu cảnh rêu. Tiết cũng cùng anh họ mở một studio rêu ở Tô Châu, hiện tại các sản phẩm của cửa hàng vô cùng được ưa chuộng. Trả lời phỏng vấn về việc chuyển từ nhân viên văn phòng sang nghề nghiệp hiện tại, cô cho biết, chính bản thân cô cũng từng mua tiểu cảnh rêu để tìm cảm giác yên bình, đối phó cảm xúc tiêu cực khi công việc không như ý. Hơn nữa, quá trình tạo ra tiểu cảnh rêu rất thư giãn, giúp người trẻ quên đi những lo âu và sẵn sàng chi tiền cho các gói vật liệu DIY tiểu cảnh. Nhận thấy tiềm năng, cô quyết định nghỉ hẳn việc văn phòng ổn định, chuyển qua kinh doanh.
Một xu hướng khác cũng đang nở rộ là các dịch vụ cảm xúc ảo trực tuyến, như "gọi thoại", "bạn chat" và "bộ lạc khen ngợi". Những dịch vụ này mang đến cho người trẻ không gian để chia sẻ, tâm sự và nhận được sự đồng cảm, từ đó giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn tìm đến việc nuôi đá như thú cưng để có được giá trị thẩm mỹ và sự đồng hành về mặt tinh thần. Họ mua những viên đá được làm sạch, trang trí như một con vật trên mạng sau đó đặt tên, trang trí và "chăm sóc" cho những viên đá như những thú cưng thực sự. Theo những người trẻ, công việc không thuận lợi, cảm xúc tiêu cực bủa vây, thu nhậm giảm sút khiến họ vô cùng mệt mỏi. Nếu như nuôi thú cưng như chó, mèo hay các vật sống thì chi phí quá lớn, họ không thể kham nổi, đành chuyển hướng sang những đồ vật "có bóng dáng sự sống", đá thú cưng là một ví dụ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, "giải tỏa cảm xúc" đã trở thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người trẻ và hứa hẹn sẽ tạo ra một điểm nóng tiêu dùng mới. Các nhà kinh doanh cũng đang nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, tung ra hàng loạt các sản phẩm và dịch vụ với khẩu hiệu "hãy đối xử tốt với bản thân mình", thúc đẩy sự ra đời của các thương hiệu mới và bối cảnh tiêu dùng mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, "kinh tế cảm xúc" cũng đặt ra những thách thức. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc quá chú trọng vào tiêu dùng phục vụ cảm xúc có thể khiến người trẻ rơi vào tình trạng chạy theo xu hướng và chi tiêu quá mức. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng có thể lợi dụng xu hướng này để thực hiện các hành vi tiếp thị không lành mạnh hoặc các giao dịch bất hợp pháp. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của "kinh tế cảm xúc".
Trang Sohu chỉ ra, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thất nghiệp gia tăng, "kinh tế cảm xúc" đang trở thành một "lối thoát" cho người trẻ Trung Quốc, giúp họ tìm thấy niềm vui, sự kết nối và giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bức tranh "kinh tế cảm xúc" cũng không hoàn toàn màu hồng. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, không ít người trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về tài chính. Những ngày cận Tết Nguyên đán, lẽ ra phải háo hức mua sắm, chuẩn bị cho năm mới nhưng công việc không thuận lợi, thu nhập suy giảm đã khiến nhiều người không còn tha thiết với việc sắm sửa cho dịp Tết truyền thống này.
Thay vì đổ tiền vào những món đồ xa xỉ hay những chuyến du lịch đắt tiền, họ có xu hướng tiết kiệm và ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu. Việc mua sắm Tết cũng trở nên hạn chế hơn, chỉ tập trung vào những mặt hàng thực sự cần thiết, thay vì những món đồ trang trí hay quà biếu xa xỉ. Sự thay đổi này phản ánh một thực tế rằng, dù "kinh tế cảm xúc" đang lên ngôi, nhưng những khó khăn về kinh tế vẫn đang là một gánh nặng lớn đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong chi tiêu và thay đổi quan niệm về việc đón Tết.
Lê Nguyên
-
Thế hệ F1 của tỷ phú Việt: Ai đang nối tiếp 'đế chế' của cha mẹ?
26-01-2025 19:16 36
-
Lợi nhuận OCB giảm nhẹ, tín dụng tăng trưởng ấn tượng
26-01-2025 19:16 07
-
Xe điện Baojun Yep sắp bán tại Việt Nam bị triệu hồi vì lỗi hệ thống phanh
26-01-2025 11:25 37
-
Bánh chưng phố cổ lưu giữ hương vị Tết truyền thống
24-01-2025 12:20 51
-
Siêu đại gia chỉ trích thương mại điện tử 'xay thịt' nền kinh tế
24-01-2025 10:38 55
-
Nhộn nhịp mua sắm tại chợ 'nhà giàu' phố cổ ngày cận Tết
24-01-2025 10:38 38