Thời sự
Nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ người dân trong đại dịch COVID-19 trên toàn quốc
10:10 AM 21/08/2021
(LĐXH)- Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, hàng loạt chính sách thiết thực hỗ trợ người dân vừa được các địa phương ban hành và triển khai như giảm giá điện, giá nước sinh hoạt… đã giúp người dân vững tin trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Các cấp, các ngành và cá nhân đang chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch
An Giang giảm tiền điện, nước sạch
Áp dụng giảm giá nước sạch, tiền sử dụng nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 tháng là nội dung chính của công văn số 1951/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký ban hành vào chiều ngày 20/8.
Theo đó, đối với các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 (bao gồm cả các khu cách ly tập trung là các cơ sở lưu trú được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập) giảm giá nước với mức thu là 3.600 đồng/m3 . 
Cùng với đó, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tương đương 10%/giá bán của 01 m3 nước sạch (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đã giảm giá.
Thời hạn áp dụng giảm giá được tính trong thời gian 02 tháng: tháng 8 và tháng 9 năm 2021 (tại các kỳ hóa đơn tháng 9 và tháng 10 năm 2021).
UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế và các đơn vị liên quan, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện
Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai việc giảm giá nước sạch, tiền sử dụng nước sạch và giảm giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt được kịp thời, đúng quy định. 
“Xe buýt siêu thị 0 đồng” ở Hà Nội
Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội hiện có 330 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 1.486 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động. Kéo theo đó, có hơn 7.200 công nhân đã mất việc làm; gần 36.000 người thiếu việc làm, khiến đời sống càng khó khăn, đặc biệt là nhóm người lao động đang lưu trú tại các khu nhà trọ.
Quyết tâm giúp người lao động vơi bớt khó khăn do dịch bệnh, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã cấp tốc triển khai chương trình “Ở đâu có đoàn viên khó, ở đó có tổ chức Công đoàn”. Đặc biệt, từ ngày 28/7/2021 đến nay, các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã đem hàng hóa thiết yếu đến với hàng vạn công nhân, người lao động đang ở các khu nhà trọ, khu công nhân trong diện cách ly tập trung, khu phong tỏa.
Không dừng ở hoạt động hỗ trợ như kể trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức Công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người lao động.
Thông tin tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều 20/8, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng.
Cụ thể, cùng với việc triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Thành uỷ, UBND chỉ đạo ngành bổ sung rà soát 10 nhóm đối tượng không ở trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được Thành phố phê duyệt. Cụ thể, hơn 210.000 người, hộ gia đình đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng.
Trong đó, các địa phương đã có quyết định hỗ trợ đối với hơn 144.300 người, gia đình thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện thụ hưởng… với kinh phí hơn 144,3 tỷ đồng. Số còn lại với gần 70.000 lượt người, hộ gia đình được các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố đã hỗ trợ khó khăn đột xuất về tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu với kinh phí gần 39 tỷ đồng.
Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân.
Tây Ninh chi bổ sung 20.000 đồng/ngày cho bệnh nhân F0
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh vừa chi bổ sung thêm 20.000 đồng/ngày/bệnh nhân F0 đang điều trị trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 21-8 đến khi kết thúc dịch. Mức chi bổ sung này nhằm tăng cường dinh dưỡng, giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh hướng dẫn ban chỉ đạo và MTTQ các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cập nhật danh sách số liệu bệnh nhân hằng ngày (có trước 14 giờ) để có kế hoạch cung cấp, phân phối suất ăn cho bệnh nhân vào hôm sau.
Các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân F0 hằng ngày (trước 9 giờ sáng) có nhiệm vụ tiếp nhận các suất ăn dinh dưỡng và cấp phát lại cho các bệnh nhân.
Được biết, nguồn kinh phí tăng thêm trên được trích từ nguồn ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Tây Ninh.
Theo quy định của Chính phủ, mỗi bệnh nhân trong thời gian điều trị COVID-19 sẽ có mức hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày/người. Ngoài ra mức chi phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khác như: nước uống, khẩu trang, dung dịch rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn miệng… là 40.000 đồng/ngày/người.
Đà Nẵng hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân
Sáng 20/8, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2828/QĐ-UBND về hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho hộ dân gặp khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo đó, thành phố hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu, trị giá 500.000 đồng/hộ (tùy theo tình hình thực tế ở địa phương, UBND quận, huyện quyết định có thể mua hàng cung cấp hoặc cấp tiền cho hộ gia đình khó khăn).
Đối tượng được hỗ trợ là hộ chính sách người có công; hộ dân khó khăn (ngoài danh sách đã được hỗ trợ theo Công văn số 5265/UBND-KT ngày 15/8/2021 của UBND TP).
Theo Quyết định kể trên, nguồn kinh phí thực hiện đối với UBND các quận sử dụng từ dự toán chi đảm bảo xã hội của đơn vị được phê duyệt tại Quyết định 2769/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 và Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 15/8/2021 của UBND thành phố. Riêng huyện Hòa Vang chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện, xã để thực hiện.
Theo danh sách hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng, tổng số hộ được hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu toàn TP lần này là 50.651 hộ, trong đó hộ chính sách người có công là 17.041 hộ; hộ khó khăn là 33.610 hộ./.
Hồng Minh (tổng hợp)
Từ khóa: