Xã hội
Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ người khuyết tật ở Quảng Ninh
11:36 AM 14/06/2016

(LĐXH) Qua 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức về vấn đề khuyết tật và về NKT của xã hội và nhân dân dần được nâng lên; hoạt động chăm sóc, hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục, văn nghệ, thể thao cho NKT Quảng Ninh tại cộng đồng được đẩy mạnh, giúp họ bớt đi những mặc cảm, có nghị lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn, an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong những năm qua, mặc dù cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng vẫn bị tác động của suy giảm kinh tế, song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các phương thức huy động, vận động nguồn lực được đổi mới để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của kế hoạch như: huy động ngân sách Nhà nước, vận động các tổ chức kinh tế, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước; lồng ghép hoạt động trợ giúp NKT vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương nên từ 2012 – 2015 tỉnh đã bố trí gần 5,9 tỷ đồng để trợ giúp NKT, trong đó vốn và kinh phí từ ngân sách địa phương là 3 tỷ đồng. 100% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tập huấn, nâng cao năng lực trong công tác trợ giúp NKT.

Bằng nhiều hoạt động cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe cho NKT, với mục tiêu giúp NKT được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe, đủ khả năng lao động nuôi sống bản thân và gia đình và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Công tác xác định mức độ khuyết tật đã được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo cho NKT được thực hiện đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Tính đến cuối năm 2015, Quảng Ninh đã thực hiện xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 12.413 người khuyết tật. 100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời.

 

 

Dạy nghề cho người khuyết tật.

 

NKT đã được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân; các cơ sở y tế ngày càng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng và đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong đó có NKT; Khi NKT đến các cơ sở khám, chữa bệnh đã được quan tâm ưu tiên bố trí riêng bàn khám bệnh và được nằm giường riêng. Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện công tác khám sàng lọc phát hiện NKT vận động tại cộng đồng; tổ chức phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ chỉnh hình và điều trị cho NKT hệ vận động. Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình cho NKT hệ vận động, theo đó sẽ hỗ trợ 100% chi phí khám sàng lọc, phẫu thuật và cấp dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ tiền ăn cho người khuyết tật và 01 người chăm sóc mức 50.000 đồng/người/ngày, không quá 15 ngày; hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại cho NKT và 01 người chăm sóc; hỗ trợ tiền phục hồi sau phẫu thuật mức 50.000 đồng/người/ngày, không quá 15 ngày.

Trẻ khuyết tật có khả năng học tập đều được tiếp cận giáo dục. Số trường, lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập, tỉ lệ huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi có khả năng học tập ra lớp học hòa nhập ngày càng tăng. Đến năm 2014-2015, toàn tỉnh đã có 260 trường/690 trường phổ thông thực hiện công tác giáo dục hòa nhập; huy động được 888 trẻ khuyết tật trong độ tuổi ra lớp học hòa nhập. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật đã từng bước được nâng lên.

NKT trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động, có nhu cầu và đủ điều kiện được học nghề đã được bố trí học nghề lồng ghép trong chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong 5 năm (2011-2015) tỉnh Quảng Ninh đã dạy nghề cho 332 NKT, các đối tượng chủ yếu học các nghề phi nông nghiệp như: móc chỉ, nghề mộc, làm hoa lụa…Tỉnh đã vận động thành lập và đã công nhận 09 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho gần 200 lao động là NKT với mức thu nhập ổn định đảm bảo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào gia đình. Trong đó đã có 04 doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT được hỗ trợ vốn từ Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật của tỉnh để mua sắm thiết bị, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT. Những hoạt động ý nghĩa đó đã tạo cơ hội cho NKT vượt qua khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng, sử dụng sức lao động để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội./.

 

Thảo Lan

Từ khóa: