Xã hội
Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện
11:05 AM 15/02/2017
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm mới với nhiều ưu việt, giúp những đối tượng lao động tự do, người dân khu vực nông thôn... khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già.
Đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội. Tuy nhiên hiện nay, số người tham gia loại hình BHXH này vẫn còn rất ít, đòi hỏi ngành BHXH tỉnh cần có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, bổ sung các chính sách ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện, giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt được và nhiệt tình tham gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người và đảm bảo an sinh xã hội.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.


Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Thìn, xã Khánh An, huyện Yên Khánh trước đây làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn xã. Thời gian đó, chị được nơi làm việc đóng BHXH đầy đủ. Nhưng cách đây 8 năm, do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, chị Thìn nghỉ việc về nhà mở cửa hàng bán tạp hóa. Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, chị Thìn chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, mặc dù đã chuyển sang làm lao động tự do nhưng chị Thìn rất yên tâm vì mình vẫn tham gia bảo hiểm đầy đủ để khi đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ hưu trí và có thẻ BHYT khám, chữa bệnh. Ngoài tham gia cho mình, chị Thìn còn quyết định đóng BHXH tự nguyện cho chồng vì hiện nay anh đang làm thợ mộc với mức công lao động 270 nghìn đồng/ngày. “Tôi nghĩ trong cuộc sống mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống. Tôi rất yên tâm khi chỉ vài năm nữa đóng đủ số năm BHXH tự nguyện, vợ chồng tôi sẽ có lương hưu như cán bộ nhà nước, góp phần đảm bảo cuộc sống khi không còn sức lao động nữa” – chị Thìn chia sẻ thêm.

Đối với ông Vũ Văn Định, phố Trần Kiên, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) thì không đầy 1 tháng nữa là ông được nhận lương hưu. Trước đây ông Định làm công nhân cơ khí Tiến Lực, năm 2011, do Công ty chuyển đổi hình thức kinh doanh, công việc không còn phù hợp nên ông được Công ty cho nghỉ. Trước đó, ông Định đã được Công ty tham gia đóng BHXH được 14 năm. Đầu năm 2012, ông được đại lý BHXH tư vấn và đã tham gia vào loại hình BHXH tự nguyện. Đến năm 2016, ông Định tham gia BHXH tự nguyện được 17 năm. Để được hưởng lương lưu hàng tháng, ông Định đã tiếp tục đóng thêm 3 năm, nhưng hiện ông đã đủ 60 tuổi, thực hiện theo Nghị định 134 của Chính phủ, ông Định chuyển sang đóng 1 lần 3 năm còn lại. Hiện ông đang chờ để nhận lương hưu theo quy định của Nhà nước.

Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2016, nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. Nếu như trước đây, người có 10 năm công tác thì phải giải quyết chế độ một lần, hoặc đóng tiếp BHXH hàng tháng, hàng năm để nghỉ hưu, còn hướng mới là đóng một lần có thể nghỉ hưu nên được người lao động rất ủng hộ. Nghị định 134 cũng quy định, lao động tự do từ 15 tuổi trở lên được tham gia BHXH tự nguyện, với phương thức tham gia rất đơn giản theo cách đóng: hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc 5 năm một lần. Mức đóng hàng tháng bằng 22% thu nhập do người tham gia tự chọn lựa, tương đương với chuẩn hộ nghèo của nông thôn; mức đóng cao nhất tự chọn lựa bằng 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm bắt đầu tham gia. Theo đó, ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Nếu người đó muốn dừng tham gia BHXH tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hoặc gặp bất trắc qua đời thì sẽ được BHXH trả lại một phần số tiền đã đóng trước đó, tùy theo thời gian tham gia và mức đóng. Với chính sách BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH mới hiện nay đã mở ra cho người lao động tự do cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội một cách dễ dàng, góp phần làm tăng cho độ bao phủ của chính sách này.

Nhiều giải pháp mở rộng đối tượng tham gia

Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện thì đã rõ, tuy nhiên thực tế số người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Sau hơn 8 năm thực hiện Luật BHXH, tính đến hết tháng 9 năm 2016, toàn tỉnh mới chỉ có gần 2.400 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó chủ yếu là những người đã từng tham gia đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó nghỉ việc và về đóng tiếp, còn đối tượng phát triển mới rất ít, trong khi theo khảo sát sơ bộ thì hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 nghìn người là lao động tự do, lao động khu vực nông thôn cần tham gia BHXH tự nguyện. Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng trăm nghìn người này khi hết tuổi lao động không có lương hưu để ổn định cuộc sống.

Được biết, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn trong khi mức đóng BHXH lại khá cao. Theo quy định ngày 1-1-2016, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất khi tham gia bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (700.000 x 22% = 154.000 đồng/tháng), nhưng nếu so với BHXH bắt buộc thì mức đóng này vẫn cao hơn (BHXH bắt buộc được thực hiện chi trả với 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; nhưng BHXH tự nguyện thì chỉ chi trả 2 chế độ là hưu trí và tử tuất). Chính điều này đã tạo nên rào cản khiến người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp. Cùng với đó, còn một bất cập là hiện có nhiều lao động tự do đã lớn tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm để hưởng BHXH mà tham gia hay không. Vì theo quy định thời gian đóng BHXH kéo dài, người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ phải đủ 20 năm đóng BHXH…

Theo ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, ngành phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Mặt khác, BHXH các cấp cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện. Thêm nữa, ngành BHXH tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành hữu quan bổ sung, mở rộng chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc…, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.

PV

Từ khóa: