Lao động
Những kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm ở Nghệ An
11:06 AM 16/01/2020
(LĐXH) - Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho hơn 37,9 nghìn lao động (đạt hơn 100% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động khoảng 13,7 nghìn lao động, đạt 101,1% kế hoạch.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 1.648 km2, dân số hơn 3,3 triệu người, trong đó có gần 1,9 triệu lao động. Năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,08 triệu đồng; Thu ngân sách ước đạt 15.500 tỷ đồng; Có 258/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Trong đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 37,9 nghìn lao động (đạt hơn 100% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động khoảng 13,7 nghìn lao động, đạt 101,1% kế hoạch.
Năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 37,9 nghìn lao động 
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phối hợp triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Đồng thời, tăng cường giải pháp liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp thông qua hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo; Đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách mới liên quan đến giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, kịp thời cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
Xác định công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, UBND tỉnh đã thực hiện các đề án như: Đề án Đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2012-2020; Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Đề án Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020; Đồng thời đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn có thương hiệu uy tín đã và đang triển khai hiệu quả các dự án tại Nghệ An như: Tập đoàn Vingroup; Masan; T&T; BRG; FLC; TH; The Vissai; Hoa Sen; Mường Thanh; Vinamilk; VSIP; WHA;... nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động hiệu quả, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm, với 13 lượt nghề cấp độ Quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ Quốc gia. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 292.565 lượt người; gồm: Cao đẳng 19.784 người, Trung cấp 34.783 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 237.998 lượt người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% (đào tạo nghề đạt 58,1%).
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tích cực và chủ động hơn. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận, tìm đến các trường nghề để tuyển lao động có tay nghề thông qua việc ký kết hợp tác trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; Cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Do các trường nghề đã quan tâm nâng cao chất lượng, gắn với tìm kiếm thị trường lao động nên năm 2019 số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định đạt gần 78,6% (riêng học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp đạt trên 90%, tăng 6% so với năm 2018); Với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, một số ngành, nghề từ 12-15 triệu đồng/tháng như nghề: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng... Điển hình một số doanh nghiệp tiếp nhận nhiều lao động sau đào tạo như: Lilama 18, Công ty CP Sông Đà 4, Khách sạn Mường Thanh, Xí nghiệp may xuất khẩu Hải phòng, Công ty CP Catalan, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Forsoma, Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Bình, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng - XKLĐ Hoàng Long, Công ty Canon Việt Nam, Tập đoàn Hồng Hải, Công ty MLBTENNEGY - Nghệ An...
Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) của tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trong năm, ngoài 55 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, Trung tâm đã tổ chức 3 hội chợ việc làm – xuất khẩu lao động, với 635 doanh nghiệp tham gia, có 3.200 người lao động được tuyển dụng, tư vấn việc làm cho 340 lao động tự do. Hết năm 2019, Trung tâm đã tư vấn cho 14.000 lượt người lao động, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm. Tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiêp cho 15.050 người, đạt 110% kế hoạch, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động trong nước cho 4.450 người. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm, phỏng vấn tuyển dụng cho người lao động với mục đích hỗ trợ người lao động ổn định tâm lý, nắm bắt và hoàn thiện các kỹ năng, giúp người lao động trả lời thành công các cuốc phỏng vấn tuyển dụng lao động của các đơn vị tuyển dụng.
Hội chợ việc làm tại huyện Quỳnh Lưu
Nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện quyết liệt chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giai đoạn 2015 - 2018, Nghệ An đã đưa được 53.094 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bằng 103,86 % so với giai đoạn 2011-2014, chiếm 35,3% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Năm 2019, xuất khẩu lao động 13.662 người, tập trung chủ yếu ở các nước, vùng lãnh thổ như: Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Trung Đông. Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 60.000 người. Số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về giai đoạn 2015 - 2018 khoảng trên 255 triệu USD/năm. Từ nguồn vốn này nhiều gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Trong những năm qua, Quỹ quốc gia về việc làm là một trong những chính sách quan trọng đã góp phần hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, đơn vị và người lao động trong tỉnh tự giải quyết việc làm và tạo việc làm mới. Trong giai đoạn 2015 – 2018, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh là hơn 195 tỷ đồng. Qua đó đã tạo việc làm mới cho 38.390 lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng bị thu hồi đất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những nghề đòi hỏi công nghệ cao như: Cơ điện tử, Lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tin... Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn yếu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm và tinh thần khởi nghiệp; một số lao động có việc làm nhưng chưa đúng với ngành, nghề đã được đào tạo.    Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh chưa mạnh, hoạt động không hiệu quả nên khả năng thu hút lao động kỹ thuật không nhiều…
Trong năm 2020, tỉnh Nghệ An đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho khoảng 38,1 nghìn lao động. Trong đó xuất khẩu lao động 13,7 nghìn người, làm việc trong nước 24,4 nghìn người. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận trong hành động để huy động sự tham gia của toàn xã hội và sự đồng hành của doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS ở trong và ngoài nhà trường gắn với giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động để cập nhật, cung cấp kịp thời, dự báo chính xác nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ đào tạo, vị trí việc làm... Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sàn giao dịch việc làm của tỉnh để kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời bảo đảm chương trình đào tạo sát thực tiễn, gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt trong năm 2020, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của địa phương; Quan tâm các dự án sử dụng nhiều lao động kỹ thuật; Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ.../.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: