Xã hội
Những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật và một số đề xuất
05:57 PM 17/08/2016
Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về NKT đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của đối tượng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp cho NKT tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện một bước việc đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi của NKT, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập với xã hội.
Cùng với đó, hệ thống chính sách pháp luật về NKT được bổ sung, Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực, tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện. Gia đình NKT đã phát huy tốt vai trò là tuyến đầu nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ NKT, đồng thời nhiều NKT đã nỗ lực vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên khẳng định khả năng sống độc lập, hòa nhập xã hội và góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật đối với NKT vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, hiện còn khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Còn một số NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm… Một bộ phần cán bộ và người dân nhận thức chưa đẩy đủ về vấn đề NKT, xem công tác NKT thuộc trách nhiệm của ngành Lao động –TBXH và trợ giúp NKT chỉ là hoạt động từ thiện. Thêm vào đó, ở một số nơi, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật còn chậm, chưa kịp thời, thiếu sâu sát, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT.
Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong công tác học nghề
Chính phủ chưa ban hành quy định về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng; cơ sở chăm sóc, tạo việc làm và và cơ sở cung cấp dịch vụ khác giúp NKT. Tiến độ triển khai Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -2020 và Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tại các địa phương còn chậm, bố trí kinh phí không đủ, khó đạt được các mục tiêu đề ra. Hệ thống cơ sở trợ giúp NKT chưa được quy hoạch nên khó khăn trong việc phát triển các cơ sở ngoài công lập và để tiếp cận chính sách ưu đãi, các cơ sở này phải phù hợp với quy hoạch.  Hoạt động xác định mức độ khuyết tật đạt kết quả chưa cao. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có trên 1,3 triệu người NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật, chiếm khoảng 18,7% tổng số NKT. Đây đa số là các trường hợp NKT nặng và đặc biệt nặng. Bên cạnh đó, công tác thống kê, quản lý NKT còn nhiều bất cập, chưa phản ánh, cập nhật được quy mô và thực trạng NKT của cả nước và từng địa phương. Từ năm 2010 đến nay, dữ liệu về NKT vẫn dựa trên kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Việc triển khai thực hiện công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực thực hiện công tác phục hồi chức năng.
Trong công tác giáo dục, đào tạo, cả nước vẫn còn 32 tỉnh, thành phố chưa có trung tâm, trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật. Hầu hết các trường phổ thông chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục hòa nhập đối với học sinh khuyết tật. Số lượng NKT được dạy nghề đạt thấp, hầu hết chỉ ở trình độ sơ cấp, chưa đạt được chỉ tiêu đến năm 2015 có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm. Cùng với đó, kinh phí dạy nghề cho NKT chưa được bố trí riêng, mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại thấp, không phù hợp với NKT. Đối với NKT tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho NKT chưa được trực tiếp vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động là NKT trở lên.
Người khuyết tật vẫn còn khó tiếp cận với các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở. Việc miễn giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT chưa đồng bộ, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành quy định này. Kết quả thực hiện việc đảm bảo tiếp cận giao thông, cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng chưa đạt lộ trình theo luật định. Số lượng NKT tiếp cận sử dụng Internet thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Số lượng NKT được tiếp nhận vào các Trung tâm bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp NKT còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng phù hợp cho NKT, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý.
 Tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật của Bộ, ngành liên quan chậm đã ảnh hưởng đến việc triển khai. Một số quy định mang tính nguyên tắc trong Luật nên số lượng văn bản cần được hướng dẫn chi tiết khá lớn, cần có thời gian để nghiên cứu, ban hành.  Chưa có cơ chế phù hợp ở cấp quốc gia để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan đến NKT. Cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả triển khai công tác NKT chưa cao. Ngân sách bố trí thực hiện các chính sách của Luật NKT còn hạn chế. Tình trạng mù chữ trong NKT còn nghiêm trọng, nhất là đối với những NKT sống ở khu vực nông thôn, gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các giải pháp dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho NKT.
Theo dự báo trong thời gian tới, do tác động của vấn đề già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề khác, số lượng NKT nước ta sẽ tiếp tục gia tăng. Do vậy, trên cơ sở những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách đối với NKT, theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cần thiết phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đối với Quốc hội, nghiên cứu ban hành một số luật liên quan đến NKT như: Luật Trợ giúp xã hội, Luật Sức khỏe tâm thần, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của NKT. Đảm bảo việc phân bổ ngân sách hàng năm và trung hạn cho chính sách bảo trợ xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp cho NKT.
Hai là, đối với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT. Cân đối nguồn lực và ưu tiên bố trí ngân sách đề thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật và các chương trình, đề án về NKT. Rà soát sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác NKT ở các trung tâm bảo trợ xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý Nhà nước về NKT; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về NKT.
Ba là, đối với các địa phương, cần tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước về công tác NKT, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về công tác NKT vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, ban hành các chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trợ giúp NKT. Chủ động cân đối nguồn lực phù hợp để thực hiện chính sách NKT. Trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của mình thực hiện việc miễn, giảm giá vé một số dịch vụ cho NKT, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình tiếp cận các công trình xây dựng cho NKT theo quy định trong Luật NKT.
PV
 
 
Từ khóa: