Những thương binh làm kinh tế giỏi ở Bắc Kạn
(LĐXH) - Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng người có công với cách mạng của tỉnh luôn thi đua học tập và phát triển sản xuất. Nhiều thương binh, bệnh binh đã vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Đến xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, hỏi thăm thương binh Ngôn Văn Toàn, người dân nơi đây ai cũng biết và cảm phục ý chí vươn lên của người lính Cụ Hồ năm xưa. Trải qua bao sóng gió giữa mưa bom, bão đạn, xuất ngũ trở về địa phương, mang trong mình thương tật 4/4; thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh bộ đội Cụ Hồ Ngôn Văn Toàn lại tiếp tục với trận chiến “thoát nghèo” của gia đình mình.
Năm 1967, chàng thanh niên Ngôn Văn Toàn lên đường nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện, ông Toàn hành quân vào chiến trường Tây Nguyên với nhiệm vụ cùng các đồng đội đánh cắt đường, cầu để chặn đường tiếp tế lương thực, súng đạn của địch. Trong thời gian tham gia chiến đấu ông bị thương 2 lần ở chân và cổ, bị sức ép của bom mìn ảnh hưởng đến màng nhĩ. Hòa bình lập lại, ông Toàn tiếp tục phục vụ trong Quân đội đến năm 1989 được nghỉ chế độ. Với bản chất cần cù, ông nuôi ý chí tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Nhận thấy lợi thế để phát triển kinh tế ở thôn Pác Ngòi, năm 1994, ông Toàn bắt đầu cùng gia đình bắt tay vào sửa chữa ngôi nhà sàn đang ở làm homestay đón khách đến tham quan du lịch hồ Ba Bể và trở thành hộ đầu tiên làm dịch vụ này ở thôn Pác Ngòi nói riêng, xã Nam Mẫu nói chung.
Hiện nay, gia đình ông Toàn đã có 12 phòng nghỉ đáp ứng được từ 18 - 20 khách, có 2 chiếc xuồng máy chuyên phục vụ khách tham quan các điểm du lịch tại hồ Ba Bể. Ngoài ra, ông còn đầu tư xe đạp phục vụ khách đi dạo quanh Hồ và thăm động Hua Mạ. Với nhiều loại hình dịch vụ, gia đình ông đã thu hút được rất nhiều khách, trung bình mỗi năm, gia đình tiếp đón trên 800 lượt khách trong và ngoài nước đến ăn, nghỉ và thăm quan du lịch, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về từ 250 - 300 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho 4 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Thấy loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng mang lại thu nhập khá, ông đã vận động các hộ gia đình khác cùng thực hiện. Đến nay, ở thôn Pác Ngòi có 40 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch như gia đình ông Toàn, những hộ gia đình này đều có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng thôn Pác Ngòi trở thành thôn văn hóa.
Hay như thương binh Lê Hà Thanh ở huyện Bạch Thông cũng thành công với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi gia cầm. Sau nhiều năm chiến đấu ở Tây Nguyên, xuất ngũ với những vết thương trên người và di chứng của chất độc da cam; Sức khỏe kém cùng đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ khiến cuộc sống của gia đình ông gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, ông không chán nản, buông xuôi, mà luôn nỗ lực xoay sở, tìm hướng đi mới để ổn định gia đình. Với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế", trong mọi hoàn cảnh ông đều cố gắng là đầu tàu gương mẫu trong lao động, sản xuất và học tập.
Với ý chí quyết tâm như vậy nên sau hơn 40 năm gây dựng kinh tế, từ 2 bàn tay trắng đến nay, gia đình ông đã có của ăn của để. Ngoài khu vườn rộng hơn 4.000 mét vuông trồng các loại cây như: bưởi, cam, quýt, nho thân gỗ... gia đình ông còn trồng ngô, nuôi cá, nuôi gà... hàng năm cho thu nhập ổn định, gia đình ông cũng có “của ăn, của để”. Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Thanh còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Thanh đứng lên mua lại hơn 200m đất của 10 gia đình (mỗi mét là 500.000 đồng) có con đường liên thôn chạy qua để hiến cho địa phương, sau đó ông cũng đứng lên xây lại toàn bộ tường bao cho các gia đình, đồng thời ông cũng hiến hơn 300m đất của gia đình đang trồng cây ăn quả để làm đường, giúp bà con đi lại thuận tiện. Khi con đường làm xong, bà con còn gọi vui là con đường "Lê Thanh".
Có thể nói, những người có công với cách mạng là biểu tượng cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, họ không chỉ là anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mà còn đi đầu trong công cuộc làm giàu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ngoài những tấm gương như thương binh Ngôn Văn Toàn, Lê Hà Thanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, người có công gương mẫu làm kinh tế giỏi, sáng ngời phẩm chất Bộ độ cụ Hồ và để cán bộ, nhân dân trong tỉnh học tập và noi theo./.
Minh Hưng
Từ khóa:
gương sáng người có công
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
-
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
09-01-2025 08:39 32
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46