- Gần đây một bộ phim tài liệu mang tên “The Stringer” dự kiến được trình chiếu tại Liên hoan phim Sundance vào ngày 25/1 gây xôn xao khi đưa ra thông tin Nick Út không phải tác giả của “Em bé Napalm” mà là một người khác. Ông phản hồi gì về điều này?
AP đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng và công bố báo cáo dài 23 trang. AP khẳng định không có bất cứ lý do gì để tin có bất kỳ ai khác ngoài tôi chụp bức ảnh này. AP cũng không muốn tôi phát ngôn thời điểm này vì chúng tôi đã có ủy quyền luật sư kiện vụ việc ra tòa.
Nhà sản xuất phim cho rằng, tác giả là tài xế cho NBC News vào thời điểm đó nhưng khi ấy, tôi có tài xế riêng, đi xe riêng, tôi còn dùng xe đó đưa Kim Phúc “em bé Napalm” đi cấp cứu. Bản thân tôi đã nhiều lần gặp người tự nhận là chụp bức hình đó ở Việt Nam và Mỹ, tại sao trước đó ông ta không hỏi tôi: “Vì sao ông lấy hình của tôi?”.
Khi tôi đã nổi tiếng gần 53 năm, người ta đòi làm phim về danh tính của người chụp “Em bé Napalm”. Tại sao lại là thời điểm này, khi các nhân chứng gồm những nhà báo cùng thời với tôi hầu hết đã qua đời, hoặc đã ở ngưỡng 80-90 tuổi, không còn đủ sức khỏe và minh mẫn nữa? Họ thậm chí không hỏi tôi một câu. Tôi nghi ngờ người đó đang muốn tạo scandal để nổi tiếng. Kim Phúc và những bạn bè tôi trên toàn thế giới đều bênh vực tôi, thế nên tôi không có gì phải sợ hay phiền muộn cả. Không ai thay đổi được sự thật tôi là tác giả “Em bé Napalm”.
- Ông chụp “Em bé Napalm” trong hoàn cảnh nào?
Tháng 8/1972, chiến sự xảy ra rất ác liệt tại Trảng Bàng, Tây Ninh, một chiếc máy bay đã thả xuống đây 4 quả bom Napalm. Nhiều người chạy xuống bờ ruộng núp, tôi đứng trên đường chụp, lửa cách trăm thước nóng rực cả người.
Một bà cụ ẵm một em bé chừng ba tuổi, đứng trước mười mấy phóng viên báo chí khóc: “Cứu cháu tôi”. Tôi bấm máy, nhìn qua ống kính thấy thằng bé rũ xuống, bà cụ cũng nhìn xuống, tuyệt vọng: “Cháu tôi chết rồi”.
Tôi tiếp tục nhìn phía sau bà cụ, thấy một đám trẻ trong đó có một cô bé ở trần. Cô bé ấy chính là em bé Napalm – Kim Phúc. Khi ấy hai tay và lưng của Phúc đang cháy, Phúc vẫn chạy được nhờ chân không bị cháy. Tôi là người đầu tiên chạy về phía đó, các phóng viên thấy tôi chạy cũng chạy theo. Nhiều phóng viên nhưng tôi là người chụp được tấm hình đặc biệt đó vì trước đó, họ chụp nhanh quá hết cả phim, chưa kịp thay phim mới.
Bức hình gây nhiều tranh cãi vì đứa trẻ ở trần, sếp của tôi là người Đức - trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn dũng cảm gửi về trụ sở AP tại New York và được người quản lý AP khi đó quyết định đem bức hình đó tới toàn thế giới để mọi người có thể xem được bộ mặt thật sự của chiến tranh.
Tôi từng gặp nhiều nạn nhân chất độc da cam là người Việt và cả các cựu chiến binh Mỹ, thương lắm. Tôi đã tham gia vào nhiều chương trình trong đó có việc đăng những bức ảnh về nạn nhân da cam trên AP khiến chính phủ Mỹ phải thay đổi, góp phần lấy lại công bằng cho họ.
-Trong cuộc đời mình, Nich Út có cơ hội gặp gỡ cố nữ hoàng Anh, giáo hoàng, các chính trị gia nổi tiếng trong đó có một số đời tổng thống Mỹ. Khi ông trao cho họ bức ảnh để đời của mình – “Em bé Napalm” - sự đón nhận của họ ra sao?
Tôi bất ngờ vì ai cũng biết về tấm ảnh đó. Tôi tặng bức hình cho tổng thống Mỹ Donal Trupm, ông Trump giơ cao bức ảnh, hỏi hơn 200 khách có mặt tại sự kiến, có ai biết bức ảnh không, ai cũng biết. Khi ấy ông Trump đã nói: “Đây là bức hình thay đổi chiến tranh”.
Đối với tôi, điều đó vô cùng quan trọng bởi Mỹ từng là nước mang quân xâm chiếm Việt Nam, reo rắc bao đau thương. Một tổng thống Mỹ sau này đã thẳng thắn, sòng phẳng nói về điều đó. Tôi rất trân trọng.
Mới đây, tôi có chuyến công tác tại Costa Rica. Tổng thống Costa Rica cũng nói: “Em bé Napalm là bức hình thay đổi chiến tranh”.
“Em bé Napalm” chụp năm 1972, một năm sau đó khi tôi được trao giải Pulitzer, họ đã dùng từ “bức hình khủng khiếp” để nói về nó. Những phóng viên bạn tôi từng chụp chiến tranh Việt Nam ngày đó đều được giải quốc tế nhưng họ bảo: Những hình đoạt giải Pulitzer của tôi đều vô kho, không ai nhắc đến tên tôi nhưng cả đời ông, ai ai cũng nhắc đến Nick Ut và nhớ ông là tác giả “Em bé Napalm”.
-Từ tấm hình định mệnh, mối quan hệ của ông và Kim Phúc ra sao?
Sau vụ ném bom, các phóng viên khác bỏ về để kịp loan tin, tôi tưới hai chai nước lên người Phúc, nhờ tài xế của toà soạn chở Phúc đi viện, tôi bảo: “Tôi không thể bỏ những đứa trẻ, tôi phải cứu nó”. Tôi bồng Phúc, những đứa trẻ lên sau, chúng sợ và đau, khóc rất lớn. Lúc ấy, tôi còn quá trẻ, tôi cũng không biết làm gì ngoài liên tục an ủi chúng là sắp tới nơi rồi, sẽ ổn thôi. Khi tới bệnh viện Củ Chi, họ từ chối ba lần vì không có thuốc, bắt tôi đưa về Sài Gòn nhưng đưa về Sài Gòn mất 2 tiếng, sẽ không kịp. Tôi phải đưa thẻ phóng viên ra họ mới đồng ý nhưng bảo tôi Phúc cháy hết lưng rồi, không cứu nổi đâu. Họ còn để Phúc nằm gần chỗ mấy người đã qua đời. Nhờ trời thương, Phúc đã vượt qua.
Những năm qua, tôi luôn coi Phúc như con gái mình, Phúc cũng coi tôi như cha. Hai chú cháu thường xuyên trò chuyện, thi thoảng đi ăn cùng nhau hoặc tham gia một số sự kiện để nói về bức ảnh “Em bé Napalm” tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới.
Người tự nhận là tác giả “Em bé Napalm” mấy chục năm qua cũng đâu có liên hệ, hỏi han gì Phúc. Khi nghe tin có người nói Nick Út không phải tác giả của “Em bé Napalm”, Phúc đã rất tức giận. Phúc cũng rất lo lắng cho tôi vì nhà tôi ở California, gần nơi xảy ra cháy rừng.
- Ông có chịu ảnh hưởng gì từ vụ cháy khủng khiếp được ví như “hỏa ngục” này?
Nhà tôi ở trên đồi, cách nơi cháy nửa tiếng đồng hồ nên không ảnh hưởng gì nhiều, ngoại trừ khói bụi. May mấy hôm nay có gió mạnh nên bụi khói cũng đỡ đi nhiều. Những ngày này, tôi và các bạn bè phóng viên vẫn đi tác nghiệp hiện trường vụ cháy, nhìn mọi thứ hoang tàn tiêu điều rất xót xa. Tuy nhiên tôi nghĩ mọi việc sẽ sớm ổn, như mùa đông rồi sẽ hết, mùa xuân mới đang về.
- Là một người Việt xa xứ, ông còn giữ thói quen đón tết cổ truyền cùng người than trong gia đình hay không?
Quận Cam kẹt tàu xe nhiều nên tôi cũng ngại di chuyển. Tôi chỉ hẹn ăn tất niên với bạn bè thân thiết, cũng có bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ dưa hành đầy đủ, đêm giao thừa thì ra chùa thắp hương cho cha mẹ.
Ngày đầu năm, cả gia đình quây quần bên nhau, con cháu nói “chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt, tôi lì xì lấy hên cho con cháu, sau đó cả gia đình đi chơi. Những người bạn ở Việt Nam cũng gửi lời chúc mừng. Tết nhẹ nhàng nhưng ấm áp lắm.
Ngọc Trần thực hiện
-
Nick Út: Không ai thay đổi được sự thật tôi là tác giả ‘Em bé Napalm’
23-01-2025 07:32 22
-
Hồng Nhung bị ung thư vú và đã điều trị xong đợt đầu
22-01-2025 15:30 10
-
Thanh Lam sóng đôi cùng người yêu ủng hộ phim mới của Trấn Thành
22-01-2025 11:41 46
-
Vợ Công Lý khóc nức nở vì nhà chồng ghi nhận công lao
20-01-2025 07:43 33
-
Khai trương khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng tại huyện Thọ Xuân
20-01-2025 07:43 16
-
Trấn Thành lạc quan khi 'tất tay' niềm tin vào Kỳ Duyên, Trần Tiểu Vy
19-01-2025 08:14 43