Xã hội
Ninh Bình: Chú trọng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
05:56 PM 25/11/2019
(LĐXH) - Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho những đối tượng yếu thế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành, triển khai chương trình, kế hoạch, quyết định công tác bảo trợ xã hội. Theo đó, trong năm 2018, tỉnh đã ban hành  Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/3/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 02/5/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh thực hiện Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2018.
Song song với đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà dịp tết. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Lãnh đạo tỉnh, các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã thăm, tặng, chúc tết trên 172 nghìn suất quà trị giá 53,8 tỷ đồng cho người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác. Trong đó quà của Chủ tịch nước 29 nghìn suất, trị giá 6 tỷ đồng; quà cấp tỉnh, huyện, xã 109 nghìn suất, trị giá 32,3 tỷ đồng; Quà xã hội hóa 34 nghìn suất trị giá 15,5 tỷ đồng.
Tặng quà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh
Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động trợ giúp xã hội đột xuất, trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân và tham mưu cho tỉnh chủ động sử dụng nguồn lực địa phương để thực hiện trợ giúp đảm bảo không có hộ thiếu đói dịp tết, giáp hạt. Bằng nguồn lực địa phương, tỉnh đã cấp 22 tấn gạo cấp cho 733 hộ có nguy cơ thiếu đói; hỗ trợ mai táng phí cho 03 trường hợp, hỗ trợ 04 người bị thương nặng và hỗ trợ sửa chữa 01 nhà với tổng kinh phí trên 306 triệu đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phương án khắc phục hậu quả của các cơn bão số 4, số 5 và siêu bão MangKhut. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng  như giải quyết chế độ mai táng phí đối với đối tượng BTXH được công nhận là dân công hỏa tuyến, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành quyết định thôi hưởng trợ cấp tuất BHXH hàng tháng kịp thời để thực hiện chế độ mai táng phí. Tổ chức kiểm tra tại huyện Yên Khánh và thanh tra tại huyện Gia Viễn về việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp xã hội cho gần 45 ngàn đối tượng với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng. Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nghiêm việc quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng. Xin ý kiến Cục Bảo trợ xã hội và hướng dẫn việc nghỉ phép cho đối tượng ở cơ sở trợ giúp xã hội đúng quy định. Hướng dẫn, thẩm định và chấp thuận quy chế tiếp nhận, quản lý, dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội của 03 cơ sở bảo trợ xã hội công lập; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát các cơ sở tôn giáo có nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện thủ tục và đăng ký hoạt động trợ giúp. Tổ chức xác minh gia cảnh của 05 đối tượng có địa chỉ rõ ràng thuộc diện thu dung đang được quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần; tham mưu giúp Lãnh đạo Sở có phương án giải quyết.
Xây dựng Kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ năng chăm sóc cho 800 hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng của 02 huyện Nho Quan, Gia Viễn. Tổ chức 03 cuộc tập huấn về: Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; tập huấn chính sách trợ giúp xã hội năm 2018; tập huấn công tác người cao tuổi năm 2018.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và giám sát Bưu điện thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên ngoài cộng đồng theo quy định. Tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách về công tác bảo trợ xã hội đến mọi người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chính sách trợ giúp xã hội… đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia trợ giúp những người thiệt thòi trong xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đối tượng bảo trợ xã hội để thực hiện các chính sách liên quan. Kiểm tra, giám sát việc lập hồ sơ, quản lý chi trả trợ cấp xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; theo dõi, quản lý việc thực hiện ở các đơn vị bảo trợ xã hội. Thường xuyên quan tâm giúp đỡ Hội người mù, Hội người khuyết tật tỉnh hoạt động hiệu quả. Củng cố xây dựng, quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được giao. Tăng cường các hoạt động trợ giúp người tàn tật, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động trợ giúp. Giúp người tàn tật phát triển kinh tế thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh tự lực của người tàn tật.
Cùng với đó, theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai và tình hình khó khăn để có phương án tham mưu cho UBND tỉnh chủ động cứu trợ nhân dân và khắc phục hậu quả; triển khai các mô hình phòng tránh và cứu trợ phù hợp để kịp thời ứng phó và hạn chế các tác động xấu của thiên tai, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống, cứu giúp lẫn nhau khi gặp thiên tai. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 32; Đề án 1215 cho cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội các cấp và cán bộ cơ sở bảo trợ xã hội./.
Hồng Phượng
Từ khóa: