Xã hội
Ninh Bình: Triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo
04:02 PM 19/04/2023
(LĐXH)- Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo tại Ninh Bình có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ nghèo đa chiều (tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều) toàn tỉnh là 5,17% , trong đó: Tổng số hộ nghèo: 7.438 hộ, tỷ lệ 2,36%; Tổng số hộ cận nghèo: 8.829 hộ, tỷ lệ 2,81%.
Người nghèo được hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH 
Trong năm 2021, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho gần 535,1 nghìn đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo kịp thời, đúng quy định, với định mức hỗ trợ là 55,4 nghìn đồng/hộ/tháng; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập và tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ 13.276 triệu đồng cho 15.610 hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ tiền nước sạch sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội trong việc chăm lo đời sống người có công, các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em, các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết và hỗ trợ cho cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi. Tổng số kinh phí thăm, tặng, hỗ trợ gần 77.323 triệu đồng, tặng cho 238.911 lượt đối tượng (Trong đó: thăm hỏi, tặng quà người có công, hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí 46.076 triệu đồng, tặng cho 168.201 lượt đối tượng; thăm, tặng quà người cao tuổi với kinh phí 7.370 triệu đồng, tặng cho 19.921 lượt đối tượng; hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khó khăn, với tổng kinh phí 17.422 triệu đồng; tặng cho 40.529 lượt đối tượng; đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 2.100 triệu động; tặng cho 2.964 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 557 triệu động ; hỗ trợ xây mới 02 ngôi nhà tình nghĩa với kinh phí 160 triệu đồng). Ngoài ra còn rất nhiều các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trích kinh phí thăm hỏi, tặng quà các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tháo gỡ một phần khó khăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, tập trung thực hiện các chương trình, đề án chính sách về lao động, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo..., nhất là các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; công tác giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm. Trong năm đã thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho gần 540,8 nghìn đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông, lâm, ngư có mức sống trung bình; Công tác bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa cũng được thường xuyên quan tâm thực hiện. Trong năm, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội... với tổng số kinh phí 97.984,3 triệu đồng.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, năm 2021 đã giải quyết cho 600 lượt hộ nghèo, 1.300 lượt hộ cận nghèo và 2.300 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với tổng kinh phí 227,3 tỷ đồng. Năm 2022, giải quyết cho 4.915 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí là 293,0 tỷ đồng; giải quyết cho 12.400 hộ được vay vốn xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 248,0 tỷ đồng; 170 hộ được vay vốn nhà ở xã hội với tổng kinh phí 70 tỷ đồng; 2.270 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng kinh phí 53,4 tỷ đồng. Doanh số cho vay đến 31/12/2022 đạt 1.164.951 triệu đồng, với 29.187 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ đến 31/12/2022 đạt 703.870 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 3.312.502 triệu đồng, tăng 460.400 triệu đồng so với năm 2021, đạt 99,8% kế hoạch tăng trưởng, tốc độ tăng 16,14% (cao hơn bình quân chung toàn quốc).
Theo đánh giá, năm 2022, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã chủ động bám sát Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh về nhiệm vụ công tác năm 2022, tập trung chỉ đạo NHCSXH triển khai thông suốt hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai rất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của địa phương sau đại dịch. Từ kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hút và tạo việc làm cho gần 10 ngàn lao động; giúp cho trên 2.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 25 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 160 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao./.
 Hồng Phượng
.

 
Từ khóa: