Lao động
Nợ đọng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước
03:38 PM 05/02/2020
(LĐXH) – Thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), nhìn chung cấp ủy, chính quyền địa phương đều quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy vậy, việc triển khai còn vướng mắc, chậm do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm TNLĐ – BNN xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Đánh giá về tình hình quản lý và sử dụng quỹ TNLĐ – BNN, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhìn chung cấp ủy, chính quyền địa phương đều quan tâm chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách và sự phối hợp giữa các ban, ngành, các Hội đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN. Thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. Theo đó, cả nước đã chi trả cho hơn 42 nghìn người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng và hàng năm đã giải quyết và chi trả cho khoảng 5 nghìn người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN 1 lần. Công tác chi trả các chế độ từ quỹ TNLĐ, BNN được thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước, đảm bảo kịp thời gian và theo đúng chế độ, không gây phiền hà cho đối tượng, quyền lợi người lao động được đảm bảo.
Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm TNLĐ – BNN xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước
Tuy vậy, việc triển khai còn vướng mắc, chậm do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm TNLĐ – BNN xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm TNLĐ – BNN không chỉ ảnh hưởng đến số thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ – BNN mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến cân đối quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước (Năm 2017, số tiền nợ Quỹ bảo hiểm TNLĐ – BNN là 50,4 tỷ đồng; năm 2018, số tiền nợ Quỹ bảo hiểm TNLĐ – BNN là 49,5 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như: Việc xác định trường hợp TNLĐ để hưởng chế độ TNLĐ như: Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc nhưng không gắn với thực thực thi công việc, nhiệm vụ được phân công (ví dụ như người lao động được giao công việc văn phòng nhưng lại bị tai nạn tại bộ phận sản xuất; tai nạn do việc riêng vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị)); trường hợp bị đột tử tại nơi làm việc và trong giờ làm việc do yếu tố bệnh lý có sẵn; TNLĐ khi tham gia các hoạt động phong trào (thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, tham quan, nghỉ mát)…; Trường hợp TNLĐ đã xảy ra trong quá khứ nhưng không được khai báo, lập biên bản điều tra hoặc giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa, nay là người lao động và đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị hưởng (có những trường hợp vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm, thậm chí hơn 30 năm), với những trường hợp trên căn cứ để giải quyết hưởng là rất khó khăn vì vụ việc xảy ra quá lâu.
Quy định về trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (PTTGSHDCCH) đối với người đang hưởng trợ cấp TNLĐ – BNN trước ngày 01/01/2007 còn một số bất cập, chưa đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chế độ và gây khó khăn cho cơ quan tổ chức thực hiện. Cụ thể như: Danh mục PTTGSHDCCH trang cấp đối với nhóm đối tượng này ít hơn so với danh mục cho những người hưởng chế độ TNLĐ – BNN từ ngày 01/01/2007 trở đi và niên hạn sử dụng đối với các phương tiện trang cấp giữa các thời kỳ cũng khác nhau; trình tự, thủ tục thực hiện việc trang cấp PTTGSHDCCH đối với người hưởng trước và từ ngày 01/01/2007 cũng khác nhau; Không có mức tiền tối đa thanh toán mua PTTGSHDCCH đối với người đang hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN trước ngày 01/01/2007.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH: “… Mức trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH là mức hiện hưởng”. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại ví dụ 14 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH mức trợ cấp tính theo số năm tham gia quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN hiện hưởng là mức hưởng tại thời điểm người lao động bị TNLĐ, BNN không bao gồm điều chỉnh CPI hằng năm.
Ông Hà Tất Thắng cũng cho biết, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp (DN), Bộ LĐTBXH đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng: Bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động khám, chữa bệnh nghề nghiệp; Phục hồi chức năng cho NLĐ; Điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội; Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ./.
Minh Hưng
Từ khóa: