Xã hội
Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở xã miền núi Tân Lập
04:30 PM 24/11/2020
(LĐXH) - Để giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua xã Tân Lập (Huyện Sông Lô – Vĩnh Phúc) đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia thực hiện các chính sách về giảm nghèo, do vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đạt được những kết quả thiết thực.
Tân Lập là xã miền núi của huyện Sông Lô, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, xã đã dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Các chính sách đối với người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND xã đã ban hành các Kế hoạch như: Kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Văn bản triển khai ký cam kết giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm; Văn bản hướng dẫn rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới có khó khăn về nhà ở; Văn bản hướng dẫn lập danh sách hộ thoát nghèo đề nghị hỗ trợ vay vốn tín dụng; Văn bản đề nghị lập danh sách người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc sống tại vùng kinh tế khó khăn đề nghị cấp thẻ BHYT...
Hàng năm, căn cứ mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Kế hoạch của UBND huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 1% đến 1,5% trở lên. Các thành viên BCĐ xã theo dõi, chỉ đạo, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao.
Lãnh đạo huyện Sông Lô và xã Tân Lập trao tặng nhà mái ấm tình thương cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã
Từ kết quả tổ chức điều tra, rà soát hộ gia đình nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định, kiểm tra, giám sát giảm nghèo tại các thôn dân cư đúng người, đúng đối tượng từ đó triển khai chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách như: Chính sách tín dụng hộ nghèo, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ về nhà ở, chính sách hỗ trợ lao động nghèo đào tạo nghề miễn phí, tạo việc làm, XKLĐ... được thực hiện xuyên suốt, minh bạch và hiệu quả.
Nhiều mô hình giảm nghèo được áp dụng đạt hiệu quả cao tại các thôn như mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, mô hình chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt, nuôi cá, mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng, mô hình kinh doanh dịch vụ.... giúp nhiều hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo... hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương, xây dựng quỹ hội, phường họ, phát triển kinh tế giúp nhau giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo....
Phát huy vai trò trong công tác giảm nghèo Ủy ban Mặt trận xã Tân Lập đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế; Các hội đoàn thể tín chấp, tạo điều kiện cho hội viên, nhân dân có nhu cầu được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, quỹ thanh niên lập nghiệp…; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm; duy trì, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững... Hội Phụ nữ xã Tân Lập đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đến nay trên 1,5 tỷ đồng, Tín chấp với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với số vốn vay 28 tỷ đồng cho hội viên phát triển kinh tế; duy trì phát triển nguồn quỹ từ CLB gia đình phát triển bền vững với số quỹ từ phường họ lên đến 1,9 tỷ đồng; đồng thời, duy trì hiệu quả các tổ tiết kiệm, mô hình “Hũ gạo tình thương”, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân xã thực hiện tốt các chương trình vay vốn ưu đãi cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giải ngân 7 chương trình vay vốn cho hội viên nông dân với tổng số dư nợ đến nay là 9,1 tỷ đồng; Hội CCB tín chấp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên với tổng dư nợ 2,2 tỷ đồng; Đoàn thanh niên tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội với số vốn là hơn 700 triệu đồng cho đoàn viên thanh niên vay... Bên cạnh đó xã còn hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho 04 hộ nghèo tại thôn Cầu Gạo, Thụy Điền, Vân Nhưng, Đồng Sinh từ Quỹ người nghèo xã...
Thời gian qua, Hội viên phụ nữ xã Tân Lập tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ "Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường", trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, điển hình như xây dựng được mô hình liên kết trồng cây thanh long ruột đỏ, phát động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3 trở lên, không có con bỏ học và suy dinh dưỡng, không có bạo lực gia đình; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), hưởng ứng bằng phong trào đường hoa phụ nữ trồng hoa các trục đường thôn xóm, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải và ra mắt mô hình “nhà sạch vường xanh”...  góp phần thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hàng năm Hội phụ nữ xã đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung phát triển. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", thực hiện tốt những chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình và đăng ký với Hội cấp trên thực hiện mô hình phát triển kinh tế.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của hội viên hội phụ nữ xã Tân Lập cho hiệu quả kinh tế cao
Hiện nay, Hội phụ nữ xã Tân Lập có 1.161 hội viên, sinh hoạt ở 6 chi hội. Để thu hút chị em tham gia sinh hoạt, Hội đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tín chấp tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đến nay trên 1,5 tỷ đồng, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với số vốn vay 28 tỷ đồng cho hội viên phát triển kinh tế; duy trì phát triển nguồn quỹ từ CLB gia đình hạnh phúc với số quỹ từ phường họ lên đến 1,9 tỷ đồng; đồng thời, duy trì hiệu quả các tổ tiết kiệm, mô hình “Hũ gạo tình thương”, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” giúp đỡ hội viên phụ nữ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán háng hóa nhỏ lẻ tại hộ gia đình... Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để hội viên nghèo đến tham quan học tập và nhân rộng mô hình như Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại thôn Cầu Gạo.
Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể, hiện còn 1,78%. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt./.
Ngọc Yến
 
Từ khóa: