Nỗ lực huy động trẻ mầm non ra lớp ở Sơn Dương
(LĐXH)- Xác định việc huy động trẻ ra lớp là một trong những tiêu chí để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, đầu tư cơ sở vật chất để thu hút trẻ đến trường, đặc biệt là quan tâm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục trẻ.
Thực tế cho thấy, khó khăn của Sơn Dương trong công tác huy động trẻ đến trường là tỷ lệ trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm hơn 52%), nhận thức của người dân trong những năm trước về tầm quan trọng của giáo dục mầm non còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thiếu về số lượng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều điểm trường mầm non cách xa trung tâm từ 8 - 15 km, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở vật chất của một số trường chưa được đầu tư kiên cố, thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho nhóm trẻ chưa đồng bộ. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận phụ huynh về các chính sách hỗ trợ đối với trẻ chưa đầy đủ nên ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, cho biết: Toàn huyện hiện có 226 giáo viên dạy nhà trẻ, trong đó 217 giáo viên công lập và 9 giáo viên ngoài công lập. Qua rà soát, Sơn Dương có 8.351 trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 36 tháng tuổi, số trẻ ra lớp là 1.855 em (đạt trên 18%). Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về huy động trẻ đi nhà trẻ, đến năm 2020, tỷ lệ trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh đi nhà trẻ đạt trên 30%, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50%, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị tập trung thảo luận và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc huy động trẻ ra lớp; vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân về việc huy động trẻ mầm non ra lớp, góp phần đảm bảo quyền lợi học tập cho con em nhân dân trên địa bàn huyện.
Bữa ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Hợp Thành (huyện Sơn Dương)
Ở Sơn Dương, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa việc huy động trẻ mầm non đến lớp, trong đó có số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do các em theo bố mẹ, ông, bà đi trồng rừng, làm nương. Bên cạnh đó là thói quen không muốn con đi học khi có người lớn ở nhà. Chị Trần Thị Thu Hương, thôn Thượng Bản (xã Quyết Thắng), chia sẻ: Chị có con trai 20 tháng tuổi, do điều kiện kinh tế khó khăn, với lại ở nhà đã có bà nội trông con, nên chị nghĩ khi nào con được 3 tuổi sẽ cho con đi học. Nhưng khi được cán bộ xã, đại diện Trường Mầm non và Đoàn thanh niên xã đến tận nhà tuyên truyền, vận động, chị đã hiểu và đưa con đi học tại điểm trường chính. Đến trường, thấy con có điều kiện học tập tốt, chị rất phấn khởi và yên tâm làm việc.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Phạm Thị Nhị Bình, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường rà soát thiết bị, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu; huy động nguồn lực và nhân vật lực để đầu tư, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn. UBND huyện đã cấp gần 1,2 tỷ đồng hỗ trợ các xã, thị trấn kết hợp với kinh phí xã hội hóa xây dựng bổ sung phòng học, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bếp ăn cho các cơ sở giáo dục mầm non. Đến nay, toàn huyện có 101 phòng học, 102 nhà vệ sinh, 66 bếp ăn, 95 công trình nước sạch và 50 bộ đồ dùng đồ chơi.
Cô giáo Vũ Thị Tuyết Nhung, Hiệu trường trường Mầm non Thượng Ấm (huyện Sơn Dương), cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường có 460 cháu, học tại 11 lớp với 6 điểm trường, trong đó có 397 trẻ học mẫu giáo. Trường được đầu tư xây dựng 2 công trình vệ sinh và nước sạch tại điểm trường Đồng Ván và trung tâm xã với tổng trị giá 60 triệu đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu tổng trị giá 142 triệu đồng… Qua đó, đã đáp ứng việc dạy và học của cô và trò trong toàn trường.
Bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, tính đến ngày 20/9/2019, huyện Sơn Dương đã có 117 nhóm trẻ với 2.424/8.351 trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ 29%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ ăn trưa tại trường đạt 91%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 5,9%. Trong thời gian tới, Sơn Dương sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động trẻ đến trường, trong đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã đề ra.
P.V
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46