Phần chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá như vậy khi phát biểu kết luận về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về nội dung lao động, thương binh và xã hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 11/11.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề lao động, việc làm và xã hội nói chung, nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch COVID-19 và những định hướng giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển thị trường lao động, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề bức thiết nhận được sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm rất cao đối với đồng bào và cử tri cả nước.
Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống mà người dân, người lao động, người sử dụng lao động rất quan tâm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐTB&XH nên đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng các vấn đề, đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu, giải trình thêm những ý kiến mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết qua chất vấn các vấn đề cơ bản đã được làm rõ thêm. Một là, dịch COVID-19, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có phần trách nhiệm quản lý nhà nước, hơn 1,3 triệu người dân đã lần lượt rời Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam về quê.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường việc làm trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và giải quyết việc làm sinh kế cho người lao động ở các tỉnh thành khác.
Hai là, tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động và người lao động đảm bảo mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu đại dịch COVID-19, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Lưu ý các vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nữ, lao động nhập cư, lao động tự do trong khu vực phi chính thức và những người yếu thế trong xã hội, lưu ý các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra trong việc thích ứng, thực hiện mô hình sản xuất trong điều kiện dịch bệnh như “một cung đường hai điểm đến”, “3 tại chỗ”… mà ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Ba là, tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, nhất là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, tuyệt đối không để các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa; tiếp tục tăng cường phòng chống xâm hại trẻ em.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm; xử lý nghiêm tổ chức cá nhân nêu có sai phạm, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Năm là, Bộ LĐTB&XH quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa bảo trợ xã hội, tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương đối với những đối tượng có mức lương thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Sáu là, với thực trạng lao động hiện nay do tác động của đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nghiên cứu tổng thể việc sắp xếp phân bổ lại dân cư và lao động trong phạm vi cả nước, gắn với xây dựng và đảm bảo nhà ở, cơ sở vật chất, các thiết chế y tế - giáo dục - văn hóa cho người lao động nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa và ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp./.
Theo Chinhphu
Từ khóa:
-
Ninh Dương Story lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo nhân dịp Tết Nguyên Đán 2025
24-12-2024 22:23 16
-
Xe hợp đồng phải đón, trả khách tại nơi ghi trong hợp đồng
24-12-2024 18:35 08
-
Bộ Y tế dự kiến chuyển giao 4 bệnh viện
24-12-2024 21:28 19
-
Huấn luyện đầu khóa cho 280 học viên trung cấp chính quy các trường công an
07-12-2024 17:11 31
-
Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
05-12-2024 16:34 39
-
Diễn đàn chia sẻ giải pháp xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững
05-12-2024 09:04 25
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00