Tham dự Lễ Phát động có ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về An toàn, vệ sinh lao động, Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam…; Đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam cùng 500 đại biểu là công nhân trong các lĩnh vực.
Phát biểu phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Năm 2018, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, công tác ATVSLĐ đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là nhận thức của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ được nâng lên; năng suất lao động luôn được cải thiện; điều kiện môi trường lao động có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATVSLĐ được chú trọng, tai nạn lao động (TNLĐ) được kiềm chế, giảm đáng kể, nhất là trong lĩnh vực khai thác than, điện lực, dầu khí. Khu vực có quan hệ lao động, năm 2018 số người chết đã giảm 6,6% so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại. Số vụ TNLĐ, số người mắc BNN, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2018, tai nạn lao động đã làm 1.039 người chết, đặc biệt là đối với khu vực làm việc không có hợp đồng lao động tăng 59% số người chết tai nạn lao động. Những tháng đầu năm 2019, một số vụ tai nạn lao động trong xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vẫn còn xảy ra như sập đổ công trình xây dựng, cháy nhà xưởng nhiều người chết.
“Những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do TNLĐ, BNN là rất lớn, để lại những nỗi đau cho biết bao gia đình, là gánh nặng đối với xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, những thách thức và nguy cơ trong công tác ATVSLĐ vẫn đang gia tăng hiện hữu. Cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn chưa thực sự quan tâm đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, đầy đủ và tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tuyên bố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2019 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Để Tháng hành động được triển khai hiệu quả, thiết thực, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên, có hiệu quả các chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác đánh giá nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Coi đây là bước đột phá nhằm thay đổi từ ý thức, nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực của từng doanh nghiệp và người lao động.
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; cần chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới cấp huyện, cấp xã, cả trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng nhận diện rủi ro, làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương dâng hương,
đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng
Tại buổi lễ, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam cho biết: Trên thế giới mỗi năm có hơn 374 triệu người bị thương hoặc ảnh hưởng tai nạn tại nơi làm việc. Bệnh nghề nghiệp là “thủ phạm” gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất tại nơi làm việc, chiếm 86%. Trung bình mỗi ngày, thế giới có 6.500 người chết vì bệnh nghề nghiệp. Số ngày làm việc bị mất đi do các nguyên nhân liên quan đến an toàn sức khỏe nghề nghiệp chiếm khoảng 4% tổng GDP toàn cầu. Để hạn chế tình trạng này, ILO khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua luật pháp của mỗi quốc gia, những quy định liên quan đến việc xác định và đánh giá các mối nguy hiểm và rủi ro; Đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm chăm lo cho sức khỏe của người lao động. Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam vẫn tồn tại nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cần phải thường xuyên kiểm tra, kiểm định vật tư, phương tiện lao động, thiết bị máy móc, trang bị thiết an toàn cho người lao động.
Dịp này, để ghi nhận sự đóng góp của các tập thể và cá nhân trong công tác ATVSLĐ, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2018. Bộ Lao động - TBXH tặng cờ thi đua xuất sắc cho 23 tập thể, tặng Bằng khen cho 52 tập thể và 39 cá nhân; Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen cho 4 tập thể; UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong đảm bảo ATVSLĐ năm 2018.
Trong khuôn khổ Lễ phát động, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thăm, tặng quà các gia đình thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động…/.
Nguyễn Hiền
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm
10-11-2024 18:29 15
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
25-11-2024 16:35 15
-
Cà Mau: Tăng cường công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động
21-11-2024 15:46 47
-
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
21-11-2024 09:00 45
-
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
20-11-2024 14:10 55
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02