(LĐXH) - Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là thị xã miệt biển, có đông đồng bào DTTS sinh sống chiếm hơn 70%, trong đó hơn 53% là dân tộc Khmer. Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình MTQG 1719, diện mạo và đời sống của người dân Vĩnh Châu nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đã có sự thay đổi tích cực, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Cụ thể, đến cuối năm 2023, Vĩnh Châu có 1.147 hộ thoát nghèo và 1.392 hộ thoát cận nghèo; hộ nghèo còn 1.618 hộ (chiếm 3,82%) và hộ cận nghèo 4.950 hộ (chiếm 11,70%).
Có dịp trở lại vùng biên giới biển hôm nay, có thể cảm nhận được trên những con đường nhựa và bê tông sạch đẹp nối liền các bản làng; sẽ thấy những ngôi nhà mới khang trang san sát; hay bắt gặp những khuôn mặt rạng rỡ của người nông dân nhờ sản phẩm thu hoạch bán được giá...; tất cả nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước, trong đó Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG 1719 đã tạo dấu ấn rõ nét trong cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây.
Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2022 đến năm 2024 được đầu tư triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã là trên 124 tỷ 573 triệu đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2019 đến năm 2024 thực hiện trên 36 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2019 đến năm 2024 thực hiện trên 157,9 tỷ đồng. Qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống người dân.
Chính sách dành cho người uy tín luôn được thị xã Vĩnh Châu triển khai thực hiện
Khi các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai, với vai trò là Người có uy tín, ông Thạch Vươl, trú tại ấp Lai Hòa A, thị xã Vĩnh Châu đã đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây, giống con phù hợp giúp các gia đình khó khăn phát triển sản xuất. Cùng với đó, ông Vươl còn động viên các hộ gia đình hăng say sản xuất để vươn lên ổn định đời sống. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào Khmer ở ấp đã tích cực sản xuất, lao động có hiệu quả xóa được đói, giảm được nghèo.
Hay như ông Tăng Duyên, Người có uy tín trong đồng bào Khmer tại ấp Ca Lạc (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu) được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023 vì đã tích cực tham gia tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào; nhất là các chủ trương, chính sách về giảm nghèo có liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS.
Đặc biệt, ông Tăng Duyên cũng là người rất tích cực tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia; cùng với địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đoàn kết dân tộc bảo vệ tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, nhờ có sự tích cực tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân của các vị Người có uy tín, mà địa phương đã triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày một thuận lợi hơn.
“Thời gian tới, cùng với các vị Người có uy tín, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình MTQG 1719”, ông Vân nhấn mạnh.
Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, địa phương hiện có 338 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong đó, tại 3 huyện, thị xã biên giới biển gồm Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung có 111 Người có uy tín.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng Ban Dân tộc Sóc Trăng đánh giá, với vai trò, trách nhiệm của mình, Người có uy tín thật sự là cầu nối giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương với Nhân dân, là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần quan trọng giúp cho các Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, tính đến cuối năm, Vĩnh Châu có 911 hộ thoát nghèo và 1.554 hộ thoát cận nghèo.
Thanh Hương