Xã hội
Phát triển mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp căn cơ hướng tới giảm nghèo bền vững...
03:58 PM 02/08/2016

LĐXH – Ngày 02/8/2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động – TBXH phối hợp với dự án Hỗ trợ giảm nghèo – PRPP (do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và Chương trình hỗ trợ phát triển Ai-len tài trợ) tổ chức Tọa đàm phát động “Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua nội lực cộng đồng”.

 

 

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

 

Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ Lao động-TBXH; Đại diện bộ, ngành: Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công thương, Ngân hàng chính sách xã hội, Trung ương Hội Phụ nữ, Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Tiên Phong, Trợ lý Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam; bà Phạm Thị Hạnh Nguyên, cán bộ chương trình Đại sứ quán Ailen; Đại diện Lãnh đạo Sở Lao động-TBXH một số tỉnh có đội tham dự; 60 đội tham gia Hội thi đến từ 16 tỉnh: Bắc Kạn; Cao Bằng; Đắc Nông; Điện Biên; Hà Giang; Hoà Bình; Kon Tum; Lạng Sơn; Lào Cai; Nghệ An; Quảng Trị; Sóc Trăng; Thái Nguyên; Trà Vinh và Yên Bái.

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu ý kiến...

 

 

...và thăm gian hàng rau sạch của đội Cao Bằng

 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong thời gian qua, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tích cực vươn lên của chính người nghèo, mục tiêu giảm nghèo đề ra đã đạt được những kết quả quan trọng: tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, đặc biệt ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các chính sách giảm nghèo, cơ sở hạ tầng được đầu tư, cải thiện đáng kể, nhiều mô hình giảm nghèo được phát huy và nhân rộng hiệu quả. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong 6 quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh Việt nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tiếp tục thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo theo tư duy mới và mang nhiều giá trị thực tiễn. Chương trình giảm nghèo cần đi vào thực chất hơn, là “chất xúc tác” để hỗ trợ cho cộng đồng trong quá trình phát triển của chính họ, chứ không phải là một “giải pháp” hay kênh cung cấp dịch vụ “có mục tiêu” như trước đây. Xây dựng mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp căn cơ hướng tới giảm nghèo bền vững ... Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại các địa phương...

Mục đích của Hội thi nhằm cung cấp, hỗ trợ cho các đội thi thông tin chi tiết về Hội thi,  đồng thời tạo cầu nối để thu hút sự đồng hành, liên kết, hợp tác của các đối tác công – tư cùng nhóm tham dự Hội thi trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 

Nhóm 2G thảo luận

 

Đại diện nhóm 2G, chị Trương Thị Thủy, dân tộc Mường, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) giới thiệu mô hình trồng gừng và gấc. Theo chị Thủy, việc trồng gừng và gấc nhằm mục đích cải tạo vườn, tận dụng các phế thải nông nghiệp và của gia súc để làm phân vi sinh bón cho cây trồng nhằm giảm thiểu ôi nhiễm môi trường. Thông qua Hội thi, nhóm mong muốn được hỗ trợ các kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng và sơ chế gấc (hiện nhóm đang làm bằng thủ công), thu hút được thêm các thành viên vào nhóm, cũng như nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và có kỹ năng quảng bá sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Ông Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược Khoa DK Pharma cho biết, Công ty DK Pharma đã đồng hành cùng các cộng đồng dân tộc Dao, Tày, Nùng, Thái, Sán, Mông, Giáy,... phát triển dược liệu theo phương châm "cùng thắng" mà không lấy mét đất nào của dân. Đến nay, Công ty đã hỗ trợ hình thành và phát triển 22 công ty cổ phần, HTX tại cộng đồng ở Quảng Ninh, Bắc Kan, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Báo, Sơn La. Điểm đặc biệt là tất cả các công ty và HTX này đều do thanh niên ưu tú của các dân tộc thiểu số điều hành, với nguồn vốn đa dạng hóa, trong đó chú trọng nguồn vốn của chính người dân, thông qua các hình thức đa dạng như góp đất, nguyên vật liệu, công lao động, tri thức truyền thống, tiền mặt.

Với tư cách là một nhà tư vấn kỹ thuật, Công ty DK Pharma sẵn sàng chia sẻ với Hội thi từ việc hình thành các HTX, huy động vốn theo hướng sử dụng nội lực, đến tìm kiểu nhu cầu thị trường, từ đó thiết kế sản phẩm phù hợp, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở sản xuất có thể đạt các tiêu chuẩn theo luật định... và sẵn sàng theo đuổi sau khi hội thi kết thúc và khi bà con có yêu cầu.

 

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận đồng hành cùng Chương trình cho tập thể và cá nhân

 

Tại buổi Tọa đàm, các đội tham dự hội thi đã trao đổi trong các phiên song song kết nối đối tác và cố vấn kỹ thuật cũng như hướng dẫn, giải đáp câu hỏi của các đội thi, tổ chức bảo trợ để hoàn thiện hồ sơ dự thi.

 

Diệu Ngọc

 

 

 

Từ khóa: