Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu và theo ước tính của ILO, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã, đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em. Lao động trẻ em tham gia vào các quan hệ lao động thường không được ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
Để nỗ lực giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên toàn cầu, Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu nhằm cam kết thức đẩy hành động, hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7. trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em.
Theo Báo cáo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi. Đa số lao động trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 67%). Trong số lao động trẻ em, chỉ có 42,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa được đến trường. Hơn nữa, nhiều trẻ em lao động ở Việt nam phải làm việc ngoài trời và ở những nơi phi chính thức, có nguy cơ bị tai nạn…
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong thời gian qua đã được Nhà nước rất quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm xóa bỏ về cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với ILO để khảo sát lao động trẻ em lần 2 và có dữ liệu chính xác nhất, đầy đủ nhất về tình hình lao động trẻ em. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng.
Nhìn nhận về vấn đề lao động trẻ em, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee, khẳng định trẻ em không nên làm việc trên đồng ruộng, mà phải được nuôi dưỡng ước mơ. Tầm nhìn của ILO là tất cả trẻ em, cho dù có hoàn cảnh kinh tế như thế nào, đều phải được tự do tiếp cận giáo dục và những kỹ năng cho phép các em mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, bước vào thế giới việc làm đàng hoàng khi trưởng thành và đóng góp tích cực cho xã hội, cho gia đình và cho cộng đồng. Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống lao động trẻ em trên toàn thế giới đã đạt được những kết quả nhất định.
Từ năm 2000 đến năm 2016, tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm hơn một phần ba, tương đương 100 triệu trường hợp lao động trẻ em trên toàn thế giới. Để làm như vậy, ở mọi quốc gia, luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến lao động trẻ em cần được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; các chiến lược nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức đang được triển khai trên cả nước và các chương trình đang được xây dựng và khởi xướng để hỗ trợ sinh kế cho các gia đình cần sự trợ giúp đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, cần thiết tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn nghề nghiệp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập đời sống gia đình để các em có thời gian học tập, rèn luyện, không để trẻ em phải lao động kiếm sống. Phát huy vai trò của các tổ chức, cộng đồng và xã hội về việc phòng ngừa tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Tăng cường sự giám sát của các đơn vị trực thuộc nhằm ngăn ngừa và giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải lao động sớm, phải làm việc nặng nhọc.
Nguyễn Đăng Doanh
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45