Phú Thọ tạo việc làm cho 159,7 nghìn lao động
(LĐXH)- Tỉnh Phú Thọ hiện có 7.254 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 159,7 nghìn lao động (chiếm 17,7% tổng lao động xã hội), trong đó có 46 nghìn lao động tại các Khu công nghiệp.
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện nay (đầu tháng 9), tỉnh Phú Thọ có 644 doanh nghiệp mới thành lập thu hút 10.432 lao động vào làm việc. Qua tổng hợp theo dõi, việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp không đồng đều, quy mô lao động của doanh nghiệp hầu hết thuộc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, số doanh nghiệp có dưới 50 lao động chiếm đa số (trên 70% trong tổng số doanh nghiệp), trung bình có 10 lao động/doanh nghiệp; doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên chiếm tỷ lệ rất ít (chiếm 1,2% - 1,5% trong tổng số doanh nghiệp).
Đánh giá về tình hình thiếu hụt lao động và kết quả khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, cho thấy: Do tác động của dịch COVID-19, nên từ ngày 30/9/2021 đến 12/12/2021, tỉnh Phú Thọ có hơn 12.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó có 7.054 lao động trở về từ các tỉnh, chủ yếu là lao động tự do (lao động làm thuê theo ngày, khoán khối lượng công việc; xe ôm; bốc vác, bán hàng...).
Lao động làm việc tại Công ty TNHH BANDO VINA (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)
Đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ cũng cho thấy, thị trường lao động đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu khả quan. Đến nay cơ bản đã được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều tăng cao nhờ các giải pháp kết nối cung cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay tạo việc làm... Từ đầu năm 2022 đến nay, nhất là từ sau khi dịch bệnh tạm lắng (tháng 3/2022), thì số lao động trở lại thị trường rất đông, các doanh nghiệp có xu hướng tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo khảo sát sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 35 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tính đến tháng 7 năm 2022 với số lao động cần tuyển trên 10.000 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 60%) như: Tập đoàn điện tử BYD tại Khu công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ) có nhu cầu tuyển dụng 4.000 lao động; Công ty TNHH Innovation tương lai Việt Nam có nhu cầu tuyển 3.000 lao động, Công ty TNHH LG Display tuyển 5.000 lao động; Công ty TNHH an Hưng tuyển 1.000 lao động... Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng về nguồn cung lao động của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Báo cáo tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh ngày 9/9/2022 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho thấy: Tính đến ngày 15/8/2022, Phú Thọ đã thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách tại 85 doanh nghiệp với 3.822 người lao động, kinh phí 5.794.000.000 đồng (chiếm 78,11% so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu). Đến 31/8/2022, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% việc giải ngân, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Cụ thể: chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc có 3.525 lao động được hỗ trợ, số tiền 5.197.000.000 đồng (chiếm 72,8% so với kinh phí dự kiến ban đầu); chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động có 297 lao động được hỗ trợ, số tiền 597.000.000 đồng (chiếm 213.97 % so với kinh phí dự kiến ban đầu).
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, cho biết: Có thể khẳng định, công tác triển khai và tổ chức thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. Sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, triển khai nhanh chóng của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi.
“Các chính sách đều được Phú Thọ triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng đã giúp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giảm bớt khó khăn. Đặc biệt, các chính sách đều được quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, đơn vị và thời gian thực hiện nên đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện” - Phó Giám đốc Trần Minh Tuấn, thông tin.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48