Phú Thọ tạo việc làm tăng thêm cho 18.050 người
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, trong năm 2022, tổng số lao động có việc làm tăng thêm là 18.050 người, đạt 112,8% kế hoạch năm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 860.000 lao động trong độ tuổi (từ 15 tuổi trở lên) chiếm 57% dân số. Trong đó, lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh là 847,2 nghìn người, tăng bình quân 0,5%/năm, lao động lao động nữ chiếm 50%; lao động làm việc trong các doanh nghiệp 160.231 lao động. Toàn tỉnh có 5.774 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 158,4 ngàn lao động, bao gồm: doanh nghiệp Nhà nước 15 đơn vị với trên 6,7 ngàn lao động; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 140 đơn vị với trên 73,1 ngàn lao động; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 5.619 đơn vị với trên 78,6 ngàn lao động.
Năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tương đối ổn định. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được đẩy mạnh và phát huy tác dụng, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Ngay khi dịch bệnh Covid-19 sau thời điểm cuối tháng 3/2022 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động xã hội mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Đến nay, số lao động được giải quyết việc làm của tỉnh Phú Thọ đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, đánh giá: Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội. Nhờ xác định giải quyết việc làm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giải quyết việc làm của tỉnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người lao động.
Theo Phó Giám đốc Trần Minh Tuấn, chia sẻ: Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, Phú Thọ đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ còn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm. Từ đó, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp và người sử dụng lao động tìm được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Cùng với đó là thực hiện tốt chế độ BHTN, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời, giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động...
Có thể khẳng định, những nỗ lực giải quyết việc làm trong năm 2022 của tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của chính người lao động.
Trong năm 2023, Phú Thọ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cung cấp thông tin thị trường lao động và nâng chất lượng thông tin thị trường cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Tỉnh Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác cho vay, giải quyết việc làm, chú trọng các dự án phi nông nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm kết hợp với dự án dạy nghề nông thôn để đạt hiệu quả tối ưu. Đặc biệt là thống kê nhu cầu tìm kiếm việc làm, độ tuổi lao động và dự báo, định hướng các ngành nghề cụ thể theo hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chí Tâm
Từ khóa:
18.050 lao động
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48