Lao động
Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường lao động
06:06 PM 03/04/2023
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được thực hiện với nhiều đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động địa phương, chuyển đổi việc làm cho những lao động muốn thay đổi nghề nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Năm 2022, để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo nghề; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nguồn vốn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm; tiếp tục thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng các thị trường có thu nhập cao; đầu tư phát triển thị trường lao động để thúc đẩy cung ứng lao động, giới thiệu việc làm…
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 46 phiên giao dịch việc làm; có 30.162 lượt người được tư vấn liên quan đến chế độ chính sách về việc làm, học nghề, trong đó có 2.863 lượt người được tư vấn về du học, đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 4.780 người; đào tạo tiếng Hàn Quốc cho 403 học viên.
Đến 31/12/2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó trên 4.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 108% kế hoạch năm); toàn tỉnh có trên 6.038 lượt khách hàng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng doanh số cho vay ước đạt 302,048 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2,9%.
Tiếp theo, để phát huy những kết quả đạt được, ngày 14/02/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được xây dựng nhằm thực hiện mục đích phát triển thị trường lao động toàn diện, linh hoạt, bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời nhằm phát huy tối đa thế mạnh về nguồn lực lao động trong tỉnh, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, tạo ra nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội bền vững. Tạo ra nhiều chỗ làm việc mới để giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Kế hoạch đưa ra mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 là bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 18.000 - 18.500 lao động, trong đó có 3.600 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 3.000 lao động được tạo việc làm thông qua các dự án, mô hình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Hằng năm đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.
Đến năm 2025, tỉnh đạt tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2,0%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp dưới 35%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,02% (chưa bao gồm lao động trong tỉnh đi làm việc và tham gia BHXH tại các tỉnh, thành phố khác trong nước), trong đó: nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 11,3% lực lượng lao động.
Cùng với đó là thực hiện mục tiêu đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: Có 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Có 40% lao động được hệ thống Trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn tư vấn, giới thiệu có việc làm.
Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động.
Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 là  bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 18.500 - 19.000 lao động, trong đó có 3.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 4.000 lao động được tạo việc làm thông qua các dự án, mô hình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Hằng năm đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 30% lực lượng lao động. Từ năm 2026 trở đi, đưa cơ sở dữ liệu vào hệ thống phần mềm quốc gia về lao động nhằm quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. 
Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 1,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt 75%; trong đó: Lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp dưới 30%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 48,5% vào năm 2030 (chưa bao gồm lao động trong tỉnh đi làm việc và tham gia BHXH tại các tỉnh, thành phố khác trong nước). Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 16,3% lực lượng lao động.
Cùng với đó, tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: Có trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Có 45% lao động được hệ thống Trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn tư vấn, giới thiệu có việc làm. Và Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, huẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động được đồng bộ trên toàn quốc và hiện đại hóa.
Từ những mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình đã nghiên cứu các nhóm giải pháp để thực hiện, đó là triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật liên quan đến phát triển thị trường lao động; Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo việc làm bền vững; Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; Hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong, ngoài nước và phát triển các thị trường lao động đặc thù./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: