Theo thống kê, đầu năm 2011, toàn tỉnh Quảng Nam có 90.109 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,18% (cả nước là 14,2%); 52.265 hộ cận nghèo, tỷ lệ 14,02% (cả nước là 7,49%); có 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó có 03 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a, 57 xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 21 xã nghèo thuộc Chương trình 257. Tỷ lệ hộ nghèo của 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a lên đến 74,98%, cao gấp 3,1 lần so với toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của 57 xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi (Chương trình 135) chiếm 76,61%, cao gấp 3,17% so với toàn tỉnh. Hầu hết hộ nghèo đều có đời sống hết sức khó khăn, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Trưởng Ban Chỉ đạo Giảm nghèo tỉnh chủ trì họp với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Để triển khai chính sách giảm nghèo, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 01/10/2012 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”; ban hành 02 Kết luận Hội nghị chuyên đề để đẩy mạnh công tác giảm nghèo. HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, đồng thời cụ thể hóa bằng các Quyết định của UBND tỉnh (Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 về thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015), Nghị quyết chuyên đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, góp phần giảm nghèo cho khu vực này và nhiều đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Năm 2016, Sở Lao động - TBXH -Cơ quan thường trực Chương trình đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội nghị Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/4/2016 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 24/3/2016 về sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 96-KL/TU ngày 22/7/2013 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh và giải pháp giảm nghèo bền vững đến năm 2020...
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, các ngành, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo. Quảng Nam cũng đã hình thành bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo, từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo đứng điểm, phụ trách theo địa bàn từng huyện, thành phố về công tác giảm nghèo; ban hành Kế hoạch, bố trí kinh phí cho các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo kiểm tra, giám sát theo địa bàn phân công. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Văn phòng Chương trình giảm nghèo của tỉnh đặt tại Sở Lao động - TBXH để trực tiếp tham mưu cho Giám đốc Sở và giúp việc cho Ban Chỉ đạo để giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, đồng thời chỉ đạo cấp xã bố trí công chức phụ trách công tác Lao động - TBXH theo dõi công tác giảm nghèo.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, của nhân dân, công tác giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã cho vay ưu đãi 60.596 lượt hộ nghèo, 19.296 lượt hộ cận nghèo. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, cho vay ưu đãi 41.919 lượt đối tượng, với doanh số hơn 1.121 tỷ đồng, trong đó cho vay 8.912 lượt hộ nghèo; 5.333 lượt hộ cận nghèo; 7.278 hộ mới thoát nghèo.
Đoàn kiểm tra Trung ương kiểm tra Chương trình giảm nghèo
tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
Bên cạnh đó, Quảng Nam đã thực hiện cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 488.369 học sinh, sinh viên, cấp miễn phí trên 1,7 triệu thẻ BHYT người nghèo và cận nghèo, hỗ trợ xây dựng 10.836 căn nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; 100 chòi tránh lũ ở 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn; 832 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và 3.490 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ "Ngày vì người nghèo. Thực hiện một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù vùng đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã cấp 50 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS và 24 tỷ đồng đầu tư 09 điểm định canh, định cư tập trung và xen ghép; cấp hơn 84 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao đời sống cho 773.067 nhân khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho 345.147 hộ nghèo, kinh phí 133 tỷ đồng. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, đã phân bổ 30 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ mua sắm nông cụ máy móc và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; 16 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung.
Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện 04 dự án như: Dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa 526 công trình cơ sở hạ tầng tại 06 huyện nghèo và hỗ trợ đầu tư 174 công trình tại các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cấp hơn 72 tỷ đồng để thực hiện các chế độ chính sách đặc thù của Nghị quyết 30a; Dự án hỗ trợ đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn, trong đó hỗ trợ đầu tư xây dựng 712 công trình cơ sở hạ tầng các loại; Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng, nhân rộng 09 mô hình giảm nghèo tại 09 xã với 434 hộ nghèo tham gia hưởng lợi; Dự án hỗ trợ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tham vấn, đối thoại chính sách giảm nghèo cho trên 1.100 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Trong năm 2016 và năm 2017, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã phân bổ nguồn vốn theo Nghị quyết 30a hơn 165 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho 06 huyện nghèo và 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Chương trình 135 đã phân bổ 112 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình, xây dựng 02 mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản cho 52 hộ nghèo tại xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My (20 hộ) và xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình (32 hộ)...
Có thể nói, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Chương trình đã được xã hội hóa và tạo được nhiều phong trào giảm nghèo ở hầu hết các địa phương. Thêm vào đó là ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Tất cả hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người nghèo trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, định hướng nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, các huyện miền núi của tỉnh được ưu tiên đầu tư. Các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin... đều được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả (như Núi Thành, Đông Giang, Bắc Trà My, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Nam Trà My,...), đã cụ thể hóa chủ trương thành chương trình, kế hoạch và triển khai một cách khoa học, phù hợp thực tế, phát huy dân chủ, gắn với chương trình cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý đối tượng và công khai các chế độ, chính sách giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam đã giảm xuống đáng kể. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh còn 45.330 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,13%, giảm 1,77% so với cuối năm 2015 (12,90%), tương ứng giảm 6.487 hộ nghèo; 24.808 hộ cận nghèo, chiếm tỷ 6,09%, giảm 0,12% so với năm 2015 (6,21%), tương ứng giảm 177 hộ.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, Quảng Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt danh sách các huyện nghèo, huyện có tỷ lệ nghèo cao giai đoạn 2017-2020 để làm cơ sở lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; phê duyệt danh sách các xã thuộc vùng khó khăn để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, nhất là y tế cho người dân tộc thiểu số. Các Bộ ngành sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là chính sách hỗ trợ về giáo dục, tín dụng. Bộ Lao động - TBXH, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao kế hoạch vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình hằng năm cần phải giao chi tiết theo từng tiểu dự án của từng dự án để tỉnh có cơ sở phân bổ lại cho các địa phương theo đúng quy định tại Quyết định 48/2016/QĐ-TTg.
Hồng Phượng