Quảng Ninh: 100% trẻ rối nhiễu tâm trí được can thiệp khi gia đình có nhu cầu
(LĐXH)- Quảng Ninh đảm bảo 100% đối tượng khi đến Trung tâm CTXH được sàng lọc, đánh giá và được can thiệp trị liệu rối nhiễu tâm trí khi đối tượng/gia đình có nhu cầu.
Những năm qua, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được mở rộng về đối tượng, đa dạng hóa về liệu pháp điều trị, qua đó từng bước xoá bỏ những thành kiến đối với người bị bệnh, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để giúp họ ổn định cuộc sống, làm tốt công tác quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Một trong những mô hình tiêu biểu của Quảng Ninh đó là hình thành và đưa vào hoạt động Mô hình “Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2014 -2015 làm cơ sở cho việc phát triển mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng lồng ghép giữa y tế và công tác xã hội trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến 2020.
Mục tiêu của mô hình là đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên hoạt động tại phòng khám; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí để đáp ứng nhu cầu khám sàng lọc, trị liệu cho đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đảm bảo 100% đối tượng khi đến Trung tâm được sàng lọc, đánh giá và được can thiệp trị liệu rối nhiễu tâm trí khi đối tượng/gia đình có nhu cầu.
Nhân viên Trung tâm Tham vấn và Trị liệu tâm lý (khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cộng đồng dân cư về vấn đề rối nhiễu tâm trí của trẻ em, vấn đề trầm cảm tại cộng đồng. 100% gia đình có trẻ rối nhiễu tâm trí đến sàng lọc đánh giá tại Trung tâm được nâng cao nhận thức về trợ giúp và kỹ năng chăm sóc trẻ RNTT; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Về tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, Trung tâm hợp đồng với chuyên gia tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Giám đốc Văn phòng Tham vấn Gia đình và trẻ em Va La hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho phòng khám. Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Kim Quý đã hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên phòng khám một đợt với các nội dung: Phương pháp nuôi dạy con tích cực; Hướng dẫn điều trị và chăm sóc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ; Vui chơi, tương tác, tạo cảm xúc, xúc tác; Hướng dẫn trị liệu rối loạn hành vi.
Phòng Chăm sóc sức khoẻ rối nhiễu tâm trí thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã được thành lập và nằm trong tổ hợp cơ sở vật chất của Trung tâm Công tác xã hội. Địa điểm: Số 35A, phố Điện Biên Phủ, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Với sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và địa phương, Phòng Chăm sóc sức khoẻ rối nhiễu tâm trí được bố trí 02 phòng làm việc nằm trong tổ hợp cơ sở vật chất của Trung tâm với đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng cho việc khám và tâm lý trị liệu cho các đối tượng.
Năm 2016, phòng khám đã tiến hành xây dựng kế hoạch và can thiệp trị liệu cho 33 trẻ tại Trung tâm. (08 trẻ là những trẻ được tiếp tục lộ trình can thiệp trị liệu của năm 2015). Nhân viên phòng khám thực hiện trị liệu theo phương pháp một - một. Nghĩa là trong một ca trị liệu, mỗi cô giáo dục viên sẽ can thiệp với một trẻ. Kế hoạch cho từng cháu được xây dựng theo chương trình cả đợt, từng tháng, từng ngày. Tối thiểu mỗi cháu cần trị liệu trong 3 tháng, trung bình là 6 tháng, có cháu nặng có thể cần hỗ trợ trị liệu 12 tháng.
Mỗi tuần mỗi cháu được trị liệu 3 buổi, có cháu gặp vấn đề nặng có thể được tăng buổi trị liệu lên 5 buổi/tuần, mỗi buổi trị liệu từ 75 - 90 phút. Lịch trị liệu được sắp xếp vào tất cả các ngày trong tuần. Việc trị liệu tại Trung tâm đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình trẻ. Mỗi kế hoạch trị liệu ngày, sau khi trị liệu cho trẻ nhân viên phòng khám trao đổi lại với phụ huynh, hướng dẫn, nhận xét về từng bài tập để phụ huynh phối hợp can thiệp trị liệu với trẻ tại nhà.
Hoạt động trị liệu bao gồm các buổi trị liệu thông qua quá trình chơi mà học với trẻ, matxa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động... tại tầng 1 thuộc trung tâm Công tác xã hội. Ngoài hoạt động trị liệu không dùng thuốc, vai trò của các cán bộ công tác xã hội còn hướng dẫn gia đình các thủ tục để hưởng trợ cấp xã hội cho trẻ đối với những gia đình gặp khó khăn, đủ điều kiện theo quy định.
Theo đánh giá, trong vòng 1 năm hoạt động, mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu thông qua việc sàng lọc được 59 trẻ và thực hiện trị liệu không dùng thuốc đối với 33 trẻ chậm phát triển ở các lĩnh vưc trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia, nhân viên Phòng Chăm sóc sức khoẻ rối nhiễu tâm trí đã tổ chức đánh giá mức độ chậm phát triển của trẻ, quản lý hành vi và hướng dẫn gia đình các kỹ năng cơ bản đối với trẻ tự kỷ, trẻ tăng động, rối loạn quan hệ xã hội. Trị liệu ngôn ngữ, vận động tinh, vận động thô và cảm xúc xã hội hành vi được áp dụng đối với những trẻ chậm phát triển ở các mảng tương ứng.
Tuy nhiên, đây là mô hình thí điểm, mảng rối nhiễu tâm trí còn tương đối mới tại Việt Nam, đặc biệt đối với ngành lao động, rối nhiễu tâm trí trẻ em có những đặc thù riêng. Hoạt động trị liệu không dùng thuốc dành cho trẻ rối nhiễu tâm trí, cụ thể là trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ đòi hỏi sự kiên nhẫn và hợp tác hoàn toàn từ gia đình.
Bước đầu, phòng tư vấn đã đạt được những thành công nhất định trong việc tạo lập các hành vi tốt ở trẻ, cải thiện tình trạng rối nhiễu ở trẻ như: với những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thì khả năng ngôn ngữ của trẻ tốt hơn, trẻ nói được nhiều hơn và hiểu người khác nói gì, trẻ cũng diễn đạt được những mong muốn của bản thân, thể hiện cảm xúc tốt hơn; trẻ tăng động thì được quản lý hành vi, sau một thời gian trị liệu triệu chứng la hét, đập phá đồ, lao người về phía trước, chạy không kiểm soát... ở trẻ đã giảm hẳn, điều này đã tạo được lòng tin đối với gia đình trẻ.
Mặc dù thời gian thành lập được 3 năm bao gồm cả thời gian chuẩn bị, đào tạo nhân sự, Phòng tư vấn, hỗ trợ phát triển trẻ toàn diện đã mang đến hiệu quả khả quan trong hỗ trợ các gia đình có trẻ rối nhiễu tâm trí nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ tại cộng đồng./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới