Xã hội
Quảng Ninh: Đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
11:26 AM 26/06/2021
(LĐXH) – Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo có diện tích tự nhiên 6.110 km2, với tổng dân số trên 1,3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 162.513 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh (ở 109 xã, phường, thị trấn) có vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia.
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cũng như huy động mọi nguồn lực tập trung cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS theo Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”(gọi tắt là Đề án 498).
Nhiều em gái vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ phải làm vợ khi còn đang tuổi ăn tuổi lớn (Ảnh minh họa)
Trong 5 năm (từ 2015-2020), tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo Ban Dân tộc cùng các sở, ngành, địa phương bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, người dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên canh đó, tập trung đầu tư hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, làm cho chất lượng cuộc sống của người dân miền núi, vùng DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, THPT và việc phân luồng giáo dục đã giúp thanh thiếu niên có cơ hội học nghề, tạo việc làm… Những yếu tố đó đã tác động tích cực đến việc giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng DTTS, miền núi của tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 498, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên đại bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của 11/13 địa phương cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh có đồng bào DTTS sinh sống thành làng bản, cho thấy: Tổng số cặp kết hôn ở 11 huyện, thị xã, thành phố là 19.247 cặp; Tổng số cặp có người tảo hôn là 236 cặp (trong đó có 38 cặp cả vợ và chồng chưa đủ tuổi kết hôn; 197 cặp có vợ chưa đủ tuổi; 01 cặp có chồng chưa đủ tuổi). Trong đó, số người tảo hôn tập trung nhiều ở dân tộc Dao, Tày, Sán Chay, Sán Dìu và trên địa bàn toàn tỉnh không có cặp vợ chồng nào hôn nhân cận huyết thống.
Tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh cũng giảm rõ rệt. Nếu ở giai đoạn trước năm 2015, toàn tỉnh có 11.331 người tảo hôn (6.027 nam giới tảo hôn; 5.304 nữ giới tảo hôn); dân tộc Dao có: 5.964 người, Tày có 1.955 người; Sán Chay có 1.724 người; Sán Dìu có 969 người; Hoa có 392 người; Mường có 230 người; Nùng có 97 người thì đến giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ tảo hôn của tỉnh còn 1,2% trên tổng số cặp kết hôn trong giai đoạn.
Để tiếp tục thực hiện tốt việc ngăn ngừa, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh nghiên cứu, xây dựng, biên soạn, tiếp nhận, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về hôn nhân và gia đình, về thực hiện các quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nguy cơ có thể xảy ra; xử lý nghiêm túc, đúng quy định các trường hợp cố tình vi phạm…
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Đề án, tình trạng hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS ở tỉnh Quảng Ninh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: