Xã hội
Quảng Ninh: Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
04:28 PM 23/11/2020
(LĐXH) - sau 5 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Gia đình trẻ tự kỷ đã trở thành cầu nối chung của các gia đình có trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Là chỗ dựa tin cậy của các gia đình có con tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và góp phần tạo thêm cơ hội để các em được chăm sóc, điều trị tốt hơn và hoà nhập cộng đồng.
Những bệnh nhi mắc chứng tự kỷ được giáo dục phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy... 
Chị Vi Thị Nhung (phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long) chia sẻ: Chị có con nhỏ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi cháu hơn hai tuổi. Cháu có những biểu hiện như đập đầu vào tường, gọi không quay lại… Lúc đầu khi biết con bị bệnh gia đình chị đã rất hốt hoảng, chơi vơi, mất phương hướng. Sau khi được tuyên truyền và được kết nối giao lưu với các gia đình có cùng hoàn cảnh tại Câu lạc bộ (CLB) Gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh, gia đình chị đã dần lấy lại tinh thần, quyết tâm tìm hiểu cách can thiệp trị liệu cho con. Đến nay, gia đình chị Nhung đã vượt qua thời kỳ khó khăn, kiên trì các biện pháp điều trị cho con và cháu có tiến triển đáng kể.
Còn Anh Hoàng Văn Sơn (thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Năm 2018 khi con 3 tuổi, gia đình anh phát hiện con có những biểu hiện bất thường, như gọi không quay lại, chưa biết nói, chân tay vận động không ngừng, đi lao về phía trước, tự làm đau bản thân... Gia đình anh đã đưa con vào đánh giá sàng lọc tại Trung tâm CTXH tỉnh, kết quả là con bị rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn hành vi kèm tăng động, giảm chú ý. Gia đình đã viết đơn tham gia vào CLB Gia đình trẻ tự kỷ. "Qua một thời gian tham gia CLB, được áp dụng các kỹ năng điều trị, giờ đây, tình trạng của con tôi đã khá hơn rất nhiều, con giảm bớt hội chứng tăng động, tập trung hơn, biết lắng nghe hơn. Đây thực sự là niềm hạnh phúc rất lớn với những người cha, người mẹ có con tự kỷ như chúng tôi" - anh nói.
CLB Gia đình trẻ tự kỷ tại Trung tâm CTXH tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Thành viên của CLB là những cá nhân đại diện gia đình có trẻ mắc bệnh tự kỷ, những cá nhân quan tâm đến vấn đề rối nhiễu tâm trí, tự kỷ ở trẻ em và những người yêu thích hoạt động công tác xã hội. Đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 40 gia đình có trẻ tự kỷ trở thành thành viên CLB.
Tham gia CLB, các gia đình có trẻ tự kỷ được tham dự các buổi tập huấn định kỳ về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ với sự trợ giúp của các chuyên gia và chuyên viên, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Các buổi tập huấn cho các thành viên CLB được sắp xếp theo trình tự từ lý thuyết đến hỗ trợ thực hành trực tiếp các biện pháp trị liệu, giáo dục kỹ năng cho trẻ tự kỷ. Hoạt động này đã hỗ trợ các bậc phụ huynh có thêm kiến thức và kỹ năng để áp dụng hiệu quả nhất trong việc trị liệu cho con em mình tại gia đình. Từ năm 2019 đến nay, CLB đã tổ chức được 3 cuộc tập huấn kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc sức khỏe trẻ tự kỷ cho gia đình trẻ với các nội dung: Các vấn đề về chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ và các phương pháp, kỹ năng phát triển ngôn ngữ cho trẻ; về tăng động, giảm chú ý ở trẻ và hướng dẫn luyện tập trung, chú ý cho trẻ... CLB cũng tổ chức 3 cuộc trị liệu tâm lý, vận động tập thể cho trẻ rối nhiễu tâm trí tự kỷ có sự tham gia của gia đình trẻ tại TP Hạ Long: Vận động tinh, vận động thô, phối hợp tay - mắt, hướng dẫn phụ huynh vận dụng các bài tập trị liệu vận động tại gia đình phù hợp với vấn đề của trẻ và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình.
Kiên trì các biện pháp điều trị giúp trẻ cải thiện tình trạng bệnh, phát triển ổn định, hòa nhập cộng đồng
Không chỉ là sự hỗ trợ của các chuyên gia, tham gia CLB, các thành viên còn trao đổi với nhau những thông tin hữu ích, kinh nghiệm trong cách điều trị chứng tự kỷ của con. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý, thêm quyết tâm kiên trì chăm sóc, giáo dục trẻ, có kỹ năng, kiến thức để can thiệp, hỗ trợ điều trị cho con ngay tại gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2020, CLB đã tổ chức định kỳ được 3 buổi sinh hoạt với sự tham gia của  70 lượt gia đình. Có thể nói, sau 5 năm đi vào hoạt động, CLB Gia đình trẻ tự kỷ đã thực sự trở thành mái nhà chung gắn kết, chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ. Đồng thời, giúp các bậc phụ huynh can thiệp đúng cách, nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ tự kỷ từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định, hòa nhập cộng đồng./.
Phương Minh
Từ khóa: