Lao động
Quảng Ninh nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
10:58 AM 26/02/2021
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2020, ở khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 591 vụ TNLĐ làm 627 người bị nạn; trong đó 31 vụ TNLĐ chết người với số người chết là 32; số người bị thương nặng là 392 người, số người bị thương nhẹ là 203 người. Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 26,328 tỷ đồng, trong đó: Chi phí y tế là 3,452 tỷ đồng, trả lương trong thời gian điều trị là 9,211 tỷ đồng, bồi thường, trợ cấp cho thân nhân, người bị nạn là 13,305 tỷ đồng, thiệt hại tài sản là 360 triệu đồng.
Còn ở khu vực không có hợp đồng lao động, năm 2020 cũng xảy ra 14 vụ TNLĐ làm chết 15 người; chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng.
Tất cả các vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan. Trong năm 2020, Đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh đã điều tra tổng số 54 vụ tai nạn các loại. Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 152 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 189 người, trong đó cán bộ quản lý là 176 người, công nhân lao động là 13 người; xử phạt vi phạm hành chính 1 đơn vị với số tiền là 25 triệu đồng.
Sau khi có kết luận các vụ TNLĐ, các đơn vị đều tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra. Trong quá trình điều tra TNLĐ, các cơ quan chức năng đã xem xét xử lý hình sự 6 vụ tai nạn chết người liên quan đến lao động.
Phòng ngừa tai nạn lao động có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững.
Qua điều tra các vụ việc của cơ quan chức năng cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Về phía người lao động: Do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc còn hạn chế; thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội...
Về phía người sử dụng lao động: Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng, cán bộ phòng ban chuyên môn chưa sâu sát, chưa phát hiện được thiếu sót, vi phạm của người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công cho người lao động còn hạn chế.
Còn ở khu vực xây dựng dân dụng, việc quản lý ATVSLĐ nhiều địa phương thực hiện còn lỏng lẻo. Các công trình này chủ yếu giao cho phường, xã quản lý AT-VSLĐ, tuy nhiên, đoàn của phường, xã mới chỉ dừng ở việc kiểm tra xem có giấy phép xây dựng, bản thiết kế kỹ thuật hay không.
Trong khi đó, vi phạm ATLĐ ở các công trình này lại rất phổ biến, như: Thợ xây ở các công trình này không có quần áo, mũ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ... Nhiều nhà đã lên đến tầng 3, tầng 4, nhưng tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn. Xung quanh khu vực xây dựng không được rào ngăn. Ở các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m) xuống. Thậm chí, có những công trình, thợ tiện tay xúc hất vật liệu thừa từ tầng cao xuống mặt đất gây bụi ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh... Trong khi đó, hầu hết các tốp thợ ở những công trình này đều không được đóng BHXH, BHYT...
Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ. Năm 2019, trong Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, với việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng về việc tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người lao động trong công tác đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động. Trong dịp này, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Qua đó, đã có 1.566 nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ được phát hiện và quản lý.
Các Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã tích cực và chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú về nội dung, ý nghĩa, mục đích của Tháng hành động về ATVSLĐ tới người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân. Trong dịp này, đã có 553 tin bài, phóng sự, ảnh được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng; UBND các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đã treo 11.279 băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích; Phát hành trên 65.624 tranh ảnh, đầu sách, tài liệu, tờ rơi tuyên truyền.
Quảng Ninh chú trọng tuyên truyền về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức phong phú
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tập huấn, phổ biến các kiến thức đảm bảo ATVSLĐ cũng như các chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, người làm công tác ATVSLĐ và toàn thể người lao động toàn ngành. Trong năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) mở lớp tập huấn về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm việc trong Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Tại các lớp tập huấn, các giảng viên là các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ATVSLĐ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đã đi sâu vào trao đổi, thảo luận và hướng dẫn thực hiện các nội dung sửa đổi của các Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ; Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc… Đồng thời làm rõ một số vấn đề mới liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN tại các doanh nghiệp như chi phí hỗ trợ người lao động bị TNLĐ đối với các trường hợp cụ thể, mức hỗ trợ; thủ tục hồ sơ giải quyết; điều kiện, mức hỗ trợ, quy trình hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ…
Qua các chuyên đề tập huấn đã giúp cho người sử dụng lao động, các cán bộ làm công tác tổ chức lao động, ATVSLĐ trong các doanh nghiệp nắm vững và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động./.
Minh Hiền
Từ khóa: