Lao động
Quảng Ninh: Nhiều hoạt động thiết thực trong tháng hành động về an An toàn, vệ sinh lao động năm 2020
04:28 PM 23/04/2020
(LĐXH) – Trong tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Theo Kế hoạch hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 trên địa bàn tỉnh của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ninh, Tháng hành động về ATVSLĐ diễn ra từ ngày 01/5/2020 đến ngày 31/5/2020 trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Cán bộ, công nhân viên Công ty CP Than Vàng Danh hưởng ứngTháng hành động ATVSLĐ năm 2019
Các hoạt động chính tổ chức trong Tháng hành động gồm: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ gắn với chủ đề của Tháng hành động; Tăng cường công tác Kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ; Đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Trong tháng hành động, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng về biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, đảm bảo tính mạng của người lao động.
Các ngành, địa phương tăng cường triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến doanh nghiệp, người lao động; thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa TNLĐ, BNN đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Theo đó, các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động tư vấn, cử chuyên gia xuống huấn luyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; phương pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Các cơ quan, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị chức năng huấn luyện ATVSLĐ, đơn vị có chức năng khám, chữa bệnh, khám sức khỏe cho người lao động thuộc cả khu vực có hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động theo quy định. Các đơn vị, doanh nghiệp cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ máy, thiết bị… vào trong sản xuất, giảm thiểu sức người, giảm thiểu các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong lao động sản xuất tác động đến người lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ: Huấn luyện kỹ năng nhận diện, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc cho cán bộ quản lý và người lao động; tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự chủ an toàn, kỹ năng xử lý tình huống cho người lao động khi gặp sự cố; chú trọng huấn luyện kỹ năng thực hành cho người lao động.
Trung tâm Cấp cứu mỏ thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp như khai thác khoáng sản, cơ khí, xây dựng… Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát. Tập trung vào các công việc, vị trí sản xuất có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN; rà soát đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; đề ra các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, để tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, không chỉ trong Tháng hành động cần phải duy trì thường xuyên các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động, đánh giá, quản lý, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc theo nội dung chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 để tạo ý thức, nề nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho người lao động, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ, BNN.
Tiếp tục tăng cường phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATVSLĐ; duy trì thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ theo kế hoạch; đề cao ý thức tự kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên của cơ sở, doanh nghiệp, chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời./.
Nguyễn Hiền
 
Từ khóa: