Xã hội
Quảng Ninh: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng
03:31 PM 22/08/2018
(LĐXH)- Với việc đưa vào hoạt động hệ thống Văn phòng công tác xã hội (CTXH) tại một số huyện, thành phố, tỉnh Quảng Ninh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ CTXH ngay tại cộng đồng nơi họ sinh sống, giúp đối tượng giải quyết được các vấn đề gặp phải, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội cho người dân.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 16 văn phòng CTXH các cấp, bao gồm 04 Văn phòng CTXH cấp huyện, thành phố tại Móng Cái, Hạ Long, Tiên Yên, và thị xã Quảng Yên; 08 Văn phòng CTXH cấp xã/phường tại xã Hải Đông (thành phố Móng Cái); phường Cao Thắng, Bãi Cháy, Đại Yên (thành phố Hạ Long); xã Đông Ngũ, Yên Than (huyện Tiên Yên); xã Liên Hòa, phường Hà An (thị xã Quảng Yên); và 04 Văn phòng CTXH tại Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, THCS Việt Hưng (thành phố Hạ Long); Trường THCS thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên); Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Yên).
Hệ thống Văn phòng CTXH mặc dù mới được thành lập năm 2013 nhưng đến nay đã thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn cho đối tượng. Đội ngũ cán bộ nhân viên tại hệ thống Văn phòng CTXH có trình độ tương đối cao, họ đều là những người làm việc kiêm nhiệm tại phòng Lao động- TBXH các huyện, thị, cán bộ các ngành như Tư pháp, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, hiệu trưởng hoặc giáo viên các trường học. Trong đó có 02/56 người có trình độ Thạc sĩ, 48/56 người có trình độ Đại học, 03/56 người có trình độ Cao đẳng, 03/56 người có trình độ Trung cấp. Do vậy,  việc triển khai các hoạt động đều đạt kết quả khả quan, giúp đối tượng giải quyết được vấn đề.
Tư vấn trực tiếp cho đối tượng tại cộng đồng
Công tác truyền thông được thực hiện linh hoạt theo các hình thức là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và truyền thông qua các sản phẩm. Trong năm 2016, các Văn phòng đã tổ chức được trên 70 hội nghị tuyên truyền về nghề CTXH; về vị trí, vai trò và địa chỉ của Trung tâm CTXH và các Văn phòng CTXH cũng như các chế độ, chính sách dành cho các đối tượng yếu thế, người dân trên địa bàn; phát trên 7.000 tờ rơi, áp phích. Hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về nghề CTXH, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hệ thống Văn phòng CTXH cũng đẩy mạnh công tác tư vấn, tham vấn. Tại mỗi văn phòng CTXH đều có số điện thoại để tiếp nhận thông tin và tư vấn cho đối tượng có nhu cầu trợ giúp. Qua đường dây điện thoại, các đối tượng đã được tư vấn nhanh chóng, kịp thời hoàn thành các thủ tục để hưởng chế độ chính sách đúng theo quy định. Tuy nhiên, các cuộc gọi còn hạn chế về số lượng và chủ yếu liên quan đến tư vấn chính sách xã hội, thủ tục trợ cấp, thủ tục ly hôn, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, quy trình thủ tục làm hồ sơ chế độ. Mặc dù vậy, hoạt động này cũng đã giúp các đối tượng được giải đáp các thắc mắc nhanh chóng, ổn định tâm lý và tiếp cận các dịch vụ. Thực hiện tư vấn trực tiếp tại Văn phòng, trong năm 2016, đã thực hiện tư vấn cho 450 trường hợp về các vấn đề như: Chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ em; Tư vấn cho gia đình có người tàn tật được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; Tư vấn cho đối tượng là học sinh, sinh viên về chế độ ưu đại trong giáo dục dành cho sinh viên học ngành nghề độc hại; Tư vấn cho đối tượng là người tàn tật về việc nâng mức trợ cấp xã hội theo Nghị định 28 của Chính phủ và một số vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình… Tại các văn phòng CTXH, các nhân viên tư vấn luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tạo được sự tin tưởng, thân thiệt và cởi mở đáp ứng được cơ bản nhu cầu trợ giúp của các đối tượng.
Hệ thống Văn phòng CTXH trong trường học đã tư vấn hiệu quả cho nhiều đối tượng học sinh sinh viên và phụ huynh
Ngoài ra, các Văn phòng đã tổ chức tư vấn tại cộng đồng cho 140 trường hợp thuộc các đối tượng nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; Đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật làm hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, trẻ em khuyết tật vận động và gia đình trẻ em bại não... Tư vấn trực tiếp tại các hội nghị tuyên truyền cho 15 đối tượng có những thắc mắc về chế độ chính sách, thủ tục hồ sơ cần giải đáp. Công tác tư vấn tại cộng đồng mang lại hiệu quả rõ rệt giúp đối tượng nhận biết vấn đề, phát hiện vấn đề sớm để tìm cách giải quyết.
Không chỉ vậy, hệ thống Văn phòng CTXH tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng hoạt động quản lý trường hợp. Các đối tượng thuộc diện quản lý trường hợp chủ yếu là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, đối tượng người cao tuổi cô đơn và người khuyết tật… Đối với những trường hợp đã đóng ca, các đối tượng đều đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội, vượt qua khủng hoảng tâm lý và hòa nhập được với cộng đồng. Đồng thời phối kết hợp vận động nguồn lực hỗ trợ đối tượng.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh Quảng Ninh, hệ thống Văn phòng CTXH đã chủ động phối kết hợp và triển khai tốt các hoạt động, đáp ứng theo kế hoạch đề ra. Đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và trình độ đào tạo tương đối phù hợp với lĩnh vực CTXH. Các hoạt động triển khai đều mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội hiện có. Đặc biệt trong đó là hoạt động Quản lý trường hợp lồng ghép với tư vấn trực tiếp, qua đó giúp đối tượng nhận biết được vấn đề, phát hiện vấn đề sớm để cùng tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Mặt khác, thông qua hoạt động truyền thông, các đối tượng đã hiểu và chủ động tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CTXH trên địa bàn.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: