Xã hội
Quảng Ninh triển khai mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng
11:23 AM 18/08/2016
(LĐXH) Tháng 7/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án “Thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại huyện Vân Đồn”. Sau 3 năm triển khai (từ 2012 - 2014, Đề án đã từng bước xây dựng và hình thành được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí tại tuyến huyện, đáp ứng được nhu cầu của người dân ở cộng đồng.

Trong 3 năm triển khai thực hiện, Đề án được cấp tổng kinh phí là gần 8,86 tỷ đồng (thấp hơn khoảng 2,6 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt). Cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ của mô hình đã được đầu tư và trang bị  bao gồm: khu nhà có diện tích 382,5m2 (trong khuôn viên của Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn) có 8 phòng làm việc; trang thiết bị văn phòng và các trang thiết bị y tế phục vụ cho các hoạt động của mô hình như ô tô cứu thương, máy điện não đồ, máy đo lưu huyết áp, bàn nắn kéo cổ cột sống, máy điện tim 6 cần, máy siêu âm điện tim, giường  bệnh nhân…

Có 8 cán bộ được tuyển chọn vào làm việc và cam kết gắn bó lâu dài với  các hoạt động của mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí bao gồm: 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng, 2 nhân viên công tác xã hội, 1 nhân viên hành chính và 1 lái xe. Sau khi tuyển chọn nhân sự, từ năm 2012 đến năm 2014, Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng đã thực hiện 15 khoá đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia mô hình với các nội dung: Kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe tâm trí tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu; Quy trình chẩn đoán rối nhiễu tâm trí (RNTT) trẻ em và kỹ năng chăm sóc trẻ RNTT; Trị liệu không dùng thuốc đối với người nghiện cờ bạc; Sử dụng công cụ sàng lọc theo lứa tuổi; Các trị liệu không dùng thuốc đối với trẻ tự kỷ; Chăm sóc và điều trị rối nhiễu tâm trí cho phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ; phương pháp quản lý hành vi và các biện pháp can thiệp đối với trẻ tự kỷ; Trị liệu dựa trên lý thuyết nhận thức hành vi về tăng động giảm chú ý, lo âu và trầm cảm ở trẻ em và trẻ vị thành niên; Trị  liệu không dùng thuốc đối với các dạng rối nhiễu tâm trí trẻ em; Trị liệu các rối nhiễu tâm trí và bệnh tâm thần ở người lớn; Tư vấn phát triển trẻ toàn diện.... Nhiều khóa đào tạo có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia nước ngoài. Sau khi tham gia các hoạt động đào tạo các cán bộ trong mô hình đã được trang bị kiến thức cơ bản của khoa học thế kỷ 21 về sức khỏe tâm trí và phòng chống RNTT. Thực hiện hoạt động sàng lọc RNTT, làm hồ sơ bệnh án và thực hiện tư vấn điều trị. 


Điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
(Ảnh minh họa)

Trong thời gian 3 năm hoạt động thí điểm, mô hình đã triển khai nhiều dịch vụ trong bệnh viện và ngoài cộng đồng. Cán bộ của mô hình đã tham gia sàng lọc rối nhiễu tâm trí cho đối tượng nghiện chất đang điều trị ở phòng khám OPC, sử dụng bộ công cụ sàng lọc SRQ 20 để làm test sàng lọc, nếu có biểu hiện bị rối nhiễu tâm trí thì sử dụng tiếp các công cụ sàng lọc về lo âu, trầm cảm, đã thực hiện sàng lọc được 38 bệnh nhân sử dụng cai nghiện bằng Methadone và hỗ trợ tư  vấn cho 123 bệnh nhân thuộc nhóm nghiện ma túy; Khám sàng lọc cho đối tượng phụ nữ mang thai và nuôi nhỏ tại khoa Sản và khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn. Thông qua bảng đánh giá trầm cảm sau sinh EDINBURGH, các cán bộ đã sàng lọc được 280 bệnh nhân, trong đó hơn 90 người cần được dưỡng sinh Tuna và 34 bệnh nhân cần đánh giá lại sau 2-4 tuần để có kế hoạch can thiệp, chăm sóc. Ngoài ra, mô hình còn sàng lọc 2 đối tượng rối nhiễu tâm trí nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện huyện Vân Đồn (Loạn thần do sử dụng rượu và sử dụng ma túy đá). Năm 2014, các cán bộ của mô hình đã khám sàng lọc cho 78 bệnh nhân tại Cơ sở Điều trị Cai nghiện Ma túy bằng Methadone; Sàng lọc cho 525 phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ tại khoa Sản và khoa Nhi, trong đó có gần 200 bệnh nhân cần được tư vấn trị liệu và dưỡng sinh Tuna. Các cán bộ của mô hình đã trực tiếp hoặc được mời tham vấn để chuyển tuyến khám và kết luận điều trị cho 62 bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần, động kinh, tâm thần phân liệt, nghiện chất nặng.

Về các dịch vụ triển khai ngoài cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng (RTCCD) thực hiện khảo sát đánh giá thực trạng về chăm sóc sức khoẻ tâm trí tại huyện Vân Đồn. Các cán bộ của mô hình, cán bộ trung tâm RTCCD và Trung tâm Công tác xã hội tinh Quảng Ninh đã thực hiện điều tra đánh giá cơ bản ban đầu về môi trường chính sách chăm sóc sức khỏe tâm trí tại huyện, thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực và điều kiện đào tạo tại bệnh viện, thực trạng gánh nặng rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần tại cộng đồng; thực hiện điều tra 23 hộ gia đình có người bệnh tâm thần nặng và 5.000 phiếu điều tra về rối nhiễu tâm trí  tại các xã, đảo trên địa bàn huyện Vân Đồn. Kết quả báo cáo cho thấy nhận thức của người dân trong huyện về sức khỏe tâm trí còn hạn chế, sự phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người bệnh tâm thần còn cao. Tỷ lệ rối nhiễu tâm trí ở huyện Vân Đồn ước tính khoảng 12% ở người lớn trên 16 tuổi. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm trẻ đang đi học (6-16 tuổi) chiếm gần 21%. Công cụ ECSA cho tỷ lệ rối nhiễu tâm lý ở trẻ 2-5 tuổi tương đương với người lớn trên 16 tuổi là khoảng 12%.

Trong quá trình triển khai các dịch vụ của mô hình tại bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng, các cán bộ của mô hình luôn thực hiện nguyên tắc làm việc theo nhóm tức là đồng thời có bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên công tác xã hội trong suốt quá trình sàng lọc tư vấn và trị liệu cho bệnh nhân. Cán bộ của mô hình luôn nhận được sự phối hợp của bác sĩ các khoa trong bệnh viện cũng như các cán bộ của trạm y tế. Các bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ của mô hình luôn có thái độ hợp tác, đồng thuận. Gia đình các bệnh nhân rất vui mừng khi người nhà tham gia các dịch vụ sàng lọc, tư vấn hay đánh giá trị liệu ban đầu của mô hình.

Sau 3 năm thực hiện đề án đã từng bước hình thành, đưa công tác chăm sóc sức khỏe tâm trí vào hoạt động tại bệnh viện Vân Đồn và đã đạt được một số mục tiêu cơ bản, đó là: Hoàn thành thiết kế mô hình chuyên môn và thuyết minh mô hình; Tạo lập được môi trường pháp lý để đưa mô hình vào thực tế, tuy hoạt động học tập mô hình đã được triển khai thành công ở nước ngoài chưa thực hiện được. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động chuyên môn đã được thực hiện nhưng còn chậm so với kế hoạch; Đã xây dựng được đội ngũ cán bộ thực hiện công tác khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị cho người rối nhiễu tâm trí nhóm bệnh phổ biến và bệnh nhân tâm thần nhóm tâm thần phân liệt theo đúng quy trình thực hành lâm sàng chuẩn xây dựng theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới dành cho bệnh viện đa khoa và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trường hợp rối nhiễu tâm trí và bệnh tâm thần trong huyện tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại bệnh viện. 

Hải Uyên
Từ khóa: