Xã hội
Quảng Trị: Dự kiến năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52%
12:44 PM 27/08/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Trị ước cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52% với 2.646 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,11% với 1.960 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,41% với 686 hộ.

Ước thực hiện năm 2024, tỉnh xây mới 1.273 nhà ở (1.204 căn cho hộ nghèo, 69 căn cho hộ cận nghèo)

Cùng với đó, tỷ lệ nghèo đa chiều huyện ĐaKrông giảm 5,83% với 640 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó giảm 530 hộ nghèo, tương ứng giảm 4,79%; giảm 110 hộ cận nghèo, tương ứng giảm 1,03%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 13,16% với 23.967 hộ nghèo, cận nghèo; giảm 5.070 hộ nghèo, cận nghèo, tương ứng giảm 3,04% về tỷ lệ so với đầu giai đoạn.

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thông tin về các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ở huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG hàng năm. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm tại địa phương đều có sự tham gia của người dân, qua đó việc tổ chức thực hiện Chương trình đã thể hiện được tính công khai, minh bạch, dân chủ. Công tác giám sát cộng đồng được quan tâm phát huy dân chủ cơ sở; người dân thực hiện tốt vai trò giám sát cộng đồng của mình, tham gia từ đầu trong quá trình thực hiện dự án thông qua đại diện là các tố chức đoàn thể ở địa phương, qua đó kịp thời phát hiện, phản ánh những thiếu sót, hạn chế để kịp thời khắc phục.

Nhằm tạo điều kiện chủ động cho các địa phương, cũng như phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về Danh mục các dự án áp dụng cơ chế đặc thù; Quy định về chí phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án đối với các dự án áp dụng cơ chế đặc thù; Quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; Quy định quản lý vận hành, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với các công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù…

 Tổng kinh phí huy động thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2024 là trên 2.512.301 triệu đồng (ngân sách Trung ương 1.512.100 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.000.201 triệu đồng), trong đó: Huy động nguồn vốn tín dụng trong giai đoạn 2021-2024 từ Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Trị được bổ sung 1.609.950 triệu đồng; Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, người dân sinh sống ở vùng ĐBKK với tổng kinh phí trên 415.653 triệu đồng; Hỗ trợ Quỹ khám chữa bệnh trên 20.050 triệu đồng; Thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục trên 343.627 triệu đồng; Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trên 103.270 triệu đồng; Hỗ trợ tiền điện trên 39.781 triệu đồng.

Thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình MTQG giảm nghèo, tính đến tháng 7/2024, tỉnh đã xây dựng được 68 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất (18 dự án trồng trọt gồm cây gia vị, rau, đậu xanh, lạc, chuối, xoài, nhãn, cao su; 42 mô hình/dự án chăn nuôi: trâu, bò vàng Việt Nam, bò lai Sind, dê sinh sản; lợn, gà/vịt, cá; 2 mô hình lâm nghiệp; 06 mô hình phi nông nghiệp) cho 1.690 hộ tham gia. Đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất cho đối tượng thụ hưởng Chương trình.

Đối với Dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, tỉnh được phân bổ 61.100 triệu đồng ngân sách trung ương. Giải ngân đến 15/6/2024 là 31.542 triệu đồng, đạt 51,48% kế hoạch, theo đó đã xây mới 819 nhà, sửa chữa 148 nhà. Ước 31/12/2024, giải ngân 57.340 triệu đồng, đạt 93,85% kế hoạch, theo đó xây mới 1.273 nhà ở (1.204 hộ nghèo, 69 hộ cận nghèo); sửa chữa 322 nhà ở (253 hộ nghèo, 69 hộ cận nghèo).

Về Dự án 6. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trong đó có Tiểu dự án 1. Giảm nghèo về thông tin, tỉnh được phân bổ kinh phí 17.040 triệu đồng ngân sách trung ương. Tính đến 15/6/2024, đã giải ngân 11.186 triệu đồng, đạt 65,65% kế hoạch vốn. Ước 31/12/2024 giải ngân 15.986 triệu đồng, đạt 93,81% kế hoạch vốn. Kết quả đã xây dựng mới 28 đài truyền thanh, nâng cấp 06 đài truyền thanh tại 34 xã vùng ĐBKK dân tộc và miền núi. Hỗ trợ 08 điểm bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp dịch vụ thông tin công cộng. Tổ chức tập huấn 11 lớp với 444 học viên tham gia cấp xã về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền. Thực hiện 20 chương trình phát thanh, 190 sản phẩm truyền thông đăng tải trên mạng internet.

Thực hiện Tiểu dự án 2. Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khen thưởng 33 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo và Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tổ chức 06 hội thi về công tác giảm nghèo; Tổ chức 136 cuộc đối thoại thoại chính sách giảm nghèo với 5.646 lượt người tham gia; Tổ chức 24 hội nghị bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý cho 1.114 đại biểu; 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý có 92 người; In ấn, cấp phát 5.600 tờ rơi truyền thông về giảm nghèo.../.

Hồng Phượng

 

Từ khóa: