Xã hội
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc và kỹ năng truyền thông
04:41 PM 16/09/2022
Ngày 16/9/2022 tại Hải Phòng, Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Dự án NIRF, Văn phòng ILO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tập huấn báo chí về chủ đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng khi tuyên truyền về phòng, chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019.
Sự cần thiết ban hành Bộ quy tắc ứng xử mới về QRTD tại nơi làm việc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam năm 2015 theo BLLĐ 2012 nhưng các quy định còn sơ sài. Đến BLLĐ 2019 đã sửa đổi rất căn bản, đưa ra nhiều quy định mới bổ sung liên quan đến chủ đề phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP tiếp tục có những quy định cụ thể về chủ đề này. Về cơ bản, BLLĐ 2019 và Nghị định 145 đã đưa ra những quy định quan trọng, như: Định nghĩa thế nào là QRTD tại nơi làm việc, thế nào là nơi làm việc, xác định rõ trách nhiệm của các bên, đặc biệt là của người sử dụng lao động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để phòng, chống QRTD, quy định trong nội quy lao động về các hành vi QRTD tại nơi làm việc trong doanh nghiệp của mình...
Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐTBXH - nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Bộ quy tắc mới về ứng xử quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc mới nhằm cập nhật những quy định và thông lệ quốc tế mới. Việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc mới còn mang ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam có rất nhiều cam kết quốc tế trong các FTA thế hệ mới. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của nhiều đối tác thương mại quốc tế. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử mới về phòng chống QRTD tại nơi làm việc là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tham khảo, xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống QTRD tại nơi làm việc, góp phần bảo vệ người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn, giúp tăng năng suất lao động, tăng uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Hazelton Philip, Giám đốc Dự án NIRF, Văn phòng ILO phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Hazelton Philip, Giám đốc Dự án NIRF, Văn phòng ILO tại Hà Nội, cũng cho biết việc xóa bỏ bạo lực, quấy rối tình dục là một trong những ưu tiên của ILO vì quấy rối tình dục là mối nguy hiểm, tạo ra môi trường làm việc không an toàn và là hành vi vi phạm quyền con người.
Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật nhằm xóa bỏ quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều này thể hiện việc cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và phù hợp với các tiêu chí của ILO.
“Báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền thông điệp và thực hiện phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, ông Hazelton Philip nhấn mạnh.
Thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Theo bà Valentina Beghini, chuyên gia kỹ thuật, Bình đẳng và Không phân biệt đối xử của ILO, QRTD là một biểu hiện nghiêm trọng của phân biệt giới và vi phạm nhân quyền. Đây là hành vi mà nạn nhân không mong muốn và bao gồm hai yếu tố: (i) Mọi hành vi thể chất, lời nói hoặc phi lời nói có tính chất tình dục và các hành vi khác dựa trên tình dục ảnh hưởng đến phẩm giá của phụ nữ và nam giới mà người nhận không mong muốn, không chấp nhận và gây khó chịu; và việc một người từ chối hoặc phục tùng hành vi đó được sử dụng một cách rõ ràng hoặc ẩn ý làm cơ sở cho một quyết định ảnh hưởng đến công việc của người đó; (ii) hoặc hành vi tạo ra một môi trường làm việc mang tính đe dọa, thù địch hoặc sỉ nhục đối với người nhận. Dù dưới hình thức nào, QRTD đều thể hiện một mối nguy tại nơi làm việc và dẫn đến môi trường làm việc không an toàn và thù địch đối với người trải qua, cũng như đối với nhân chứng và đồng nghiệp.
Các phóng viên báo chí tham gia lớp tập huấn
Vai trò của báo chí và những điều cần lưu ý
Tại hội thảo, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe các chuyên gia giới thiệu về ý nghĩa, sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; nhận diện các hành vi về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tiêu chuẩn lao động quốc tế, kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; một số vấn đề khi đưa tin về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc trung tâm phát triển nội dung số VTV lưu ý các nhà báo về vấn đề đạo đức nghề nghiệp khi viết bài cần tôn trọng quyền riêng tư của bản thân nạn nhân và gia đình họ. Báo chí nên đảm bảo tính khách quan, công bằng khi đưa tin giữa nạn nhân và thủ phạm. Chúng ta chỉ đưa tin khi thông tin đã được kiểm chứng. Ngoài ra, theo bà Hà, Báo chí còn thiếu những bài viết chưa nêu nguyên nhân của nạn quấy rối tình dục, bi kịch của người trong cuộc và người thân của họ, trừ vụ việc của nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo một lãnh đạo báo Văn nghệ xâm hại thời trẻ cách đây hơn 20 năm, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đưa tin trên facebook.
Các nhóm thảo luận về nhận biết hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), báo chí đóng vai trò quan trọng trong phòng chống bạo lực tình dục nơi làm việc, không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, khơi nguồn, thể hiện, định hướng dư luận xã hội, giám sát phản biện xã hội mà còn truyền thông thay đổi hành vi, góp phần dần xóa bỏ những quan niệm giới lỗi thời về QRTD tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, thời gian qua khi phản ánh, đưa tin về các vụ việc QRTD tại nơi làm việc, một số bài báo vẫn còn cách nhìn rập khuôn, mang nặng định kiến với phụ nữ và nam giới; bị sa đà vào các tiểu tiết, giật “tít” câu view, gây sự tò mò và thu hút ng­ười đọc hơn là phân tích, nhận định rõ nguyên nhân, cách thức giải quyết vụ việc.
Chính vì vậy, theo ông Lương Thế Huy, Thạc sĩ Luật và Tính dục (Viện iSEE), trong việc viết bài, đưa tin về QRTD trên các cơ quan báo chí cần cân nhắc nhiều nguồn tin; tránh mô tả những tác động, ảnh hưởng của tấn công tình dục. Trong quá trình phỏng vấn cần theo cách thức, tốc độ mà nạn nhân/gia đình mong muốn. Nêu rõ những quyền của họ, đặc biệt về quyền đồng thuận và bảo vệ bí mật riêng tư. Tránh những câu hỏi về trang phục hay bắt đầu bằng những câu hỏi “tại sao”. Khi đưa tin, đặt tít, không đổ lỗi nạn nhân bằng mô tả động cơ (trang phục, mối quan hệ với nghi can, tình trạng say) hay mô tả về “mâu thuẫn gia đình”, lối sống lệch chuẩn của nạn nhân... Việc sử dụng từ ngữ cũng cần cân nhắc chu đáo, nhất là không nên dùng các từ “nhạy cảm” như: Bê bối tình dục, quan hệ tình dục, giao cấu, sàm sỡ, tên “yêu râu xanh”, “kẻ biến thái’, “động quỷ”... Mỗi bài báo cũng cần cung cấp hộp thông tin về dấu hiệu, cách xử lý, biện pháp hỗ trợ về QRTD tại nơi làm việc...
Đức Dương
Từ khóa: