Quyền tham gia của trẻ em vào quá trình ra quyết định như thế nào?
(LĐXH)- Quyền tham gia của trẻ em vào quá trình ra quyết định Các quyền được tham gia của trẻ em là một nhóm quyền cần được nghiên cứu sâu sắc hơn, nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức để các quyền cụ thể trong nhóm quyền này được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) thừa nhận các quyền của trẻ em được bày tỏ quan điểm về những vấn đề có liên quan tới các em và quyền được mọi người lắng nghe những quan điểm này. Các quyền này nếu được thực hiện đầy đủ sẽ tạo cơ hội cho trẻ em được thực hiện quyền chính trị, xã hội của mình, trong mối tương quan với các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế.
Tuyên bố Toàn cầu về quyền Con người năm 1948 công nhận mọi người đều có quyền có những ảnh hưởng chính trị nhất định: “Mọi người đều có quyền tham gia vào công việc của nhà nước mình, trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do chọn lựa”. Tuyên bố này không đặt trẻ em vào ngoại lệ, như vậy trẻ em được bao gồm trong “mọi người”. Sự bao gồm này cũng đồng thời thừa nhận quyền tự do cá nhân có điều kiện của trẻ em, rằng mỗi đứa trẻ có đặc thù riêng và có giá trị tự thân riêng, với tư cách là một con người. Đáng lưu ý hơn khi trong thực tại, trẻ em luôn chiếm từ hơn 20% đến xấp xỉ một nửa dân số của các quốc gia.(Ảnh minh họa)
Do trẻ em không được tham gia bầu cử nên quyền chính trị của trẻ em mặc nhiên bị quên lãng, trong đó có cả các quyền được bày tỏ và được lắng nghe trong các quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Sự lãng quên này bao gồm cả việc quy định quyền chính trị của trẻ em và cách thức cụ thể thực hiện quyền này trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Các quyền tham gia của trẻ em với vai trò là nguyên tắc và quyền xuyên suốt được thể hiện trong nhiều quyền khác của CRC. Tuy nhiên, kim chỉ nam cho các quyền tham gia được quy định tập trung hơn trong Điều 12, khoản 1: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do bày tỏ những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đển trẻ em, những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích ứng với độ tuổi và độ trưởng thành của trẻ em.”
Quan điểm và quy định này đòi hỏi trước hết Chính phủ có trách nhiệm và chủ động để người lớn nói chung, những người phục vụ trong bộ máy nhà nước nói riêng, luôn tìm hiểu và cân nhắc ý kiến của trẻ em trong mọi vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. Trách nhiệm này được áp dụng cho cả trẻ em nói chung cũng như trường hợp cá nhân một đứa trẻ. Nhìn ở góc độ quy mô và cơ cấu dân số thì hầu hết các quyết định của Chính phủ, dù ở cấp trung ương hay địa phương đều có các mức độ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em. Có thể những ảnh hưởng ít được nhận thấy rõ ràng hơn thuộc các quyết định về kinh tế, hạ tầng cơ sở, quốc phòng.
Để trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước và cộng đồng, đồng thời với việc phát hiện, đào tạo các tiềm năng của mỗi đứa trẻ, cần khuyến khích trẻ lên tiếng về mọi vấn đề mà trẻ nhận thức được. Thực tế cho thấy, năng lực tham gia của trẻ nếu được tạo điều kiện trên nguyên tắc tôn trọng trẻ thường vượt trên sự đánh giá và mặc định của người lớn. Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh định kỳ hàng năm tổ chức gặp đại diện trẻ em của thành phố để lắng nghe ý kiến các em, trao đổi về các vấn đề của trẻ em và của thành phố. Được coi như “phiên họp thứ ba” hàng năm, Hội đồng nhân dân thành phố đã cùng trẻ em thảo luận những vấn đề ô nhiễm, an toàn giao thông, trật tự đô thị…Những ý kiến của các em được ghi nhận và đã đi vào các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, trong đó có Nghị quyết về tổ chức “Năm vì trẻ em” của thành phố. Ví dụ trên đây cho thấy, trẻ em có thể có ảnh hưởng chính trị, xã hội và có thể tham gia vào các chương trình nghị sự có tính chính trị.
Phân tích sâu sắc hơn Điều 12 của CRC trong mối tương quan với các nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và các quyền con người, quyền công dân của trẻ em, có thể thấy:
(i) Mọi trẻ em đều có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Không có giới hạn về độ tuổi đối với việc thực hiện quyền tham gia. Quyền này được thực hiện với bất kỳ trẻ em nào khi các em có ý kiến, nguyện vọng về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các em. Ví dụ, trẻ em ở tuổi rất nhỏ hoặc trẻ em khuyết tật có thể có những khó khăn và hạn chế khi bày tỏ nguyện vọng qua thuyết trình bằng ngôn ngữ nói nhưng các em có thể được động viên, hỗ trợ để bày tỏ bằng các phương pháp nghệ thuật như vẽ, làm thơ hay thông qua trò chơi, viết bài luận, sử dụng máy tính hoặc cử chỉ, dấu hiệu.
(ii) Trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách tự do nhưng quyền này lại đòi hỏi người lớn tạo cơ hội cho các em thực hiện. Hay nói cách khác, người lớn, như cha mẹ, thầy cô giáo, các chuyên gia, các nhà chính trị có trách nhiệm và cần có năng lực để khuyến khích trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào tất cả các vấn đề liên quan đến các em. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa rằng trẻ em bị yêu cầu hay bị gây áp lực phải bày tỏ nếu các em chưa sẵn sàng để tham gia hoặc không quan tâm đến vấn đề được đưa ra.
(iii) Trẻ em có quyền được người khác lắng nghe trong mọi vấn đề tác động đến các em. Quyền được lắng nghe này liên quan đến tất cả các hành động và quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ trong gia đình, trong trường học, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia. Quyền này được áp dụng cho cả hai loại quyết định liên quan đến cá thể mỗi đứa trẻ cũng như số đông trẻ em (tương tự vai trò của các cử tri người lớn). Ví dụ việc quyết định trẻ sẽ sống với ai khi cha mẹ ly hôn hay quyết định cho khung pháp lý về độ tuổi tối thiểu để trẻ em có thể lao động kiếm sống. Một vấn đề quan trọng cần được nhận thức là có nhiều lĩnh vực thuộc chính sách công và pháp luật tác động đến cuộc sống của trẻ em, không chỉ là giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế mà còn là giao thông, nhà ở, kinh tế vĩ mô, môi trường.
(iv) Ý kiến, quan điểm của trẻ em phải được xem xét và cân nhắc một cách nghiêm túc. Đương nhiên, không phải bất kỳ ý kiến nào của trẻ em cũng phải được đáp ứng hoàn toàn mà trước hết cần sự tiếp nhận và xem xét một cách thích đáng của người lớn.
(v) Sức nặng ý kiến, quan điểm của trẻ em cần được xem xét trên cơ sở lứa tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ được phản ánh vào sự nhận thức và hiểu biết vấn đề mà trẻ tham gia bàn luận. Điều này cũng không hàm ý rằng trẻ nhỏ tuổi thì ý kiến sẽ kém đi sức nặng. Thậm chí có nhiều vấn đề trẻ nhỏ tuổi vẫn có năng lực nhận thức và bày tỏ quan điểm. Mức độ của năng lực tham gia của trẻ còn phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ, kỹ năng làm việc với trẻ của người lớn.
Năng lực tham gia của trẻ em không chỉ phụ thuộc vào “độ tuổi trẻ em” theo quy luật phát triển tự nhiên của con người. “Độ trưởng thành” về xã hội của trẻ em còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các quyền khác như đi học, tham gia đời sống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, bí mật cá nhân; phụ thuộc rất trực tiếp vào các quyền ngôn luận, hội họp, kết giao, tiếp cận thông tin đại chúng. Thực tế cho thấy, trong một thế giới thông tin không biên giới và thay đổi ngoạn mục do thành tựu của công nghệ thông tin thì độ trưởng thành về xã hội của con người nói chung (ví dụ: tri thức, trải nghiệm, kỹ năng sống…), đặc biệt ở trẻ em và người chưa thành niên, đang vượt trước so với trưởng thành về tự nhiên (thể chất, gen di truyền…).
Khuyến khích năng lực tham gia của trẻ em không thể không lưu ý hai vấn đề:
(i) Trẻ em cần môi trường an toàn, không có nguy cơ bị lợi dụng, bị xúc phạm, bị trừng phạt, bị xâm hại để các em có thể tự do trình bày ý kiến của mình. Vấn đề này liên quan chặt chẽ đến các quyền được bảo vệ của trẻ em để các em không bị bạo lực và xâm hại cả về thể chất và tinh thần khi thực hiện các quyền tham gia.
(ii) Khi thực hiện quyền tham gia của mình, trẻ em cũng cần có trách nhiệm như người lớn về tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền và thanh danh của người khác, không đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội (CRC- Điều 13 đến 15)./.
PV
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46