Sạt lở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế): Nhiều cán bộ, chiến sĩ gặp nạn trong quá tình cứu hộ
(LĐXH) - Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 để tham gia cứu hộ, cứu nạn thì đã gặp một vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhiều người đang mất liên lạc. Hiện Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang vào Huế để chỉ đạo...
13 người mất liên lạc
Theo thông tin ban đầu, trong chiều 12/10, sau khi nhận tin báo về vụ sạt lở vùi lấp nhiều công nhân thi công tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), đoàn công tác 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu cùng chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên đường vào rừng xác minh, ứng cứu.
Trong đêm 12/10, đoàn đã đi bộ để tiếp cận vị trí thủy điện. Lúc 23h, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Tuy nhiên do thời tiết xấu, trời tối và địa hình sạt lở nên việc tiếp cận khó có thể diễn ra tiếp tục; đoàn quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.
Đến khoảng 1h sáng nay, sạt lở và lũ bất ngờ quét qua khu vực này khiến đoàn công tác gặp nạn. Một số ít trong số 21 người may mắn thoát ra khỏi hiện trường vụ sạt lở và quay về. Nhiều người còn lại hiện vẫn đang mất liên lạc, mất tích.
Ngay khi nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức điều động lực lượng cứu hộ.
Theo nguồn tin mà PV nhận được, hiện đã liên lạc được 8 người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được. Hiện lực lượng cứu hộ cứu nạn đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ đang mất tích.
Thủ tướng: Khẩn trương cứu hộ nạn nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện chỉ đạo các lực lượng khẩn trương xử lý vụ sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 và công trình thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận sự cố đã làm nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn và công nhân của công trường thủy điện bị vùi lấp.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạn, Phó tư lệnh Quân khu 4 vào ngày 11/10
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương chỉ đạo các lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp.
"Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố", Thủ tướng nhấn mạnh trong công điện.
Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có trách nhiệm rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản Nhà nước và nhân dân trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lên đường vào Huế
Đến thời điểm này, thông tin cho biết số công nhân bị mất tích ở đây lên đến 17 người, chứ không phải là 10 người như ban đầu. Cùng với 13 người trong đoàn cứu hộ mất liên lạc thì số người gặp nạn là 30 người.
Hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đang trên đường vào Thừa Thiên Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3.
Trong khi đó tại hiện trường, theo quan sát, hiện có nhiều xe cứu thương và xe chữa cháy đang được điều động để ứng cứu các nạn nhân. Các chốt kiểm soát cũng được dựng nên trên đường vào thủy điện. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra người rất chặt chẽ... Việc tiếp cận hiện trường thủy điện rất khó khăn điều kiện thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở rất lớn.
Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện, hiện các lực lượng còn cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 2km.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Phó Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục di chuyển bằng ô tô về khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền
Trưa 13/10, tại Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai các phương án để sớm tiếp cận hiện trường vụ lở đất ở khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Theo đó, các phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 với phương tiện là xe cơ giới chở lực lượng công binh với mục tiêu mở đường vào vị trí cứu hộ; còn trên tuyến đường thủy thì đi từ Nhà máy thủy điện Hương Điền với 2 xuồng cao tốc. Phương án sử dụng thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ cũng đang được nghiên cứu.
Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh nhận được điện thoại của người dân báo tin việc Thủy điện Rào Trăng 3 bị sự cố sạt lở, có ảnh hưởng đến người cần tỉnh giúp đỡ. Cuộc gọi bị gián đoạn giữa chừng do mất sóng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 đã ngay lập tức cử lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, cứu hộ.
Hiện tại, một số chiến sĩ, cán bộ trong đoàn cứu hộ đang mất liên lạc.
Sáng 13/10, tại xã Phong Xuân (Phong Điền), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh có có cuộc họp bàn phương án tiếp cận, cứu hộ cứu nạn những người mắc kẹt tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Đoàn xe của lực lượng Công binh sẵn sàng ứng cứu
Theo ghi nhận hiện trường và nhận định của đoàn công tác, do trời mưa lớn nên tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 20km, có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết, thời tiết xấu dẫn đến việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn. Đoàn công tác đã gọi điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trước mắt, tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện chuyên dụng xe múc, xe cẩu mở đường tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế nhằm đảm bảo cho công tác cứu hộ cứu nạn. Công an tỉnh cũng đã điều 3 xe và lực lượng phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ đến hiện trường. Hàng chục cán bộ chiến sĩ cũng đã lên đường.
Đến 10h30, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở là rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.
Cũng trong sáng 13/10, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân khu 4, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đã tham gia làm nhiệm vụ tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
Lữ đoàn Công binh 414 là đơn vị chủ công của Quân khu 4 trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Luôn xác định phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội công binh trong thời bình. Vì vậy, thời gian qua, lữ đoàn thường xuyên quán triệt nghiêm các văn bản của cấp trên; nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết; xây dựng kế hoạch, luyện tập thuần thục các phương án, sẵn sàng cơ động lực lượng, trang bị, phương tiện để xử lý tốt các tình huống xảy ra.
Tham gia đợt cứu hộ, cứu nạn lần này, lữ đoàn đã đưa lực lượng cùng những phương tiện, trang bị, khí tài hiện đại nhất có thể cứu hộ, cứu nạn trong nhiều tình huống phức tạp, điều kiện khắc nghiệt như thiên tai, thảm họa, tai nạn...
Hà Giang (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Thông báo kết quả kiểm tra đối với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
14-11-2024 18:10 25
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32
-
Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước khu vực Châu Á
03-11-2024 17:08 10