Xã hội
Sẽ cấp thẻ An sinh xã hội điện tử vào năm 2020
02:11 PM 09/06/2018
(LĐXH) - Đây là một trong những nội dung quan trọng thuộc Quyết định 634/QĐ-LĐTBXH ngày 29/05/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về An sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách An sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
Mục đích của việc cấp thẻ an sinh xã hội điện tử nhằm giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý các chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo, người có công, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Từng bước tích hợp với các loại giấy tờ công dân khác như: Sổ hưởng trợ cấp, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân… Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương thực hiện việc này.
Giai đoạn 2017 - 2018, sẽ tiến hành thí điểm cấp số và thẻ ASXH điện tử tại một số tỉnh thành phố
Trong giai đoạn 2017 – 2018, sẽ tiến hành hỗ trợ thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử tại 1 – 3 tỉnh, thành phố. Theo đó, các thành phố dự kiến là Quảng Ninh, Cần Thơ hoặc Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2019 – 2020, tiến hành hỗ trợ cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội.
Theo Quyết định 634/QĐ-LĐTBXH, giai đoạn 2018 – 2020 sẽ nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ An sinh xã hội điện tử; xây dựng số An sinh xã hội duy nhất đối với mỗi người dân, bảo đảm kết nối với mã số định danh công dân nhằm quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về An sinh xã hội. Xây dựng văn bản pháp lý quy định cấp, đổi, hủy, công năng, tác dụng thẻ An sinh xã hội điện tử. Đồng thời, phát triển Thẻ An sinh xã hội điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý các chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo, người có công, BHXH, BHYT, BHTN; từng bước tích hợp thẻ An sinh xã hội với một số giấy tờ công dân khác như sổ hưởng trợ cấp, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân… để tạo thuận lợi hơn trong quản lý.        
Theo số liệu thống kê, tổng số đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội tăng từ 700 nghìn người (năm 2007) lên gần 2,78 triệu người năm 2017, chiếm 3% dân số, trong đó có: hơn 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; khoảng 96 nghìn người già cô đơn; 913 nghìn người khuyết tật và tâm thần; hơn 60 nghìn trẻ em mồ côi, còn lại là các đối tượng khác. Cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, công suất nuôi dưỡng trên 42 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội. Hàng triệu lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ đã được hưởng chính sách trợ giúp xã hội đột xuất kịp thời. Hàng năm, Chính phủ dành ngân sách lớn để chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đến cuối năm 2017 cả nước còn trên 1,6 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 6,72% và 1,3 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%. Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hàng năm, có hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với mức vay bình quân 12 triệu đồng/lượt; 29 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; người thuộc hộ cận nghèo tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách hỗ trợ bằng 70%-100% mệnh giá; có trên 04 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn; trên 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở...
Dự báo đối tượng đến năm 2025, có khoảng 3 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, chiếm 3% dân số (trong đó trên 30% là người cao tuổi). Riêng trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1 - 1,5%/năm, các huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giảm bình quân từ 3- 4%/năm.
Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 29 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; có 20 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Riêng đối tượng hưởng chính sách người có công dự kiến khoảng trên 9,2 triệu người. Tổng số người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng dự kiến khoảng 1,2 triệu người.

Nam Khánh

 

Từ khóa: