Kinh tế
Sôi động thị trường thương mại điện tử mùa cuối năm
05:45 PM 29/12/2021
(LĐXH)-Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều chịu những tác động tiêu cực đến nền kinh tế vì dịch Covid-19 trong suốt 6 tháng giữa năm 2021. Tuy nhiên, bước vào mùa cao điểm cuối năm - khi cả nước bước vào bình thường mới - sức mua trên thương mại điện tử (TMĐT) vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong phục hồi kinh tế, tạo đà phát triển cho năm 2022.
Số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến ngày càng tăng
Sức mua sắm online tăng ở cả thành thị và nông thôn
Theo nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” của Facebook và Bain & Company, đại dịch Covid-19 dẫn tới chuyển đổi mang tính mô hình trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Theo đó, cách người tiêu dùng Việt mua sắm đã có thay đổi lớn với việc các kênh trực tuyến đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm, bao gồm khám phá, đánh giá và mua hàng, thể hiện qua tỷ lệ sử dụng kênh trực tuyến tương ứng trong từng chặng lên tới 81%, 84% và 56%, tức là cao hơn hẳn tỷ lệ sử dụng các kênh trực tiếp. Bên cạnh đó, số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020.
Chẳng hạn, ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 vừa diễn ra đầu tháng 12 đã thu hút hàng triệu người dùng tham gia mua sắm với hàng triệu sản phẩm với mức giá hấp dẫn. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm 2021 về TMĐT khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm tại Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố, hiệp hội, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, cùng đồng hành, tổ chức. Trước đó, trong khuôn khổ ngày mua sắm trực tuyến còn diễn ra tuần lễ mua sắm trực tuyến từ ngày 27/11 đến 5/12 đã thu hút hàng triệu người dùng tham gia.
Thương mại điện tử dần trở thành một kênh quen thuộc được nhiều người lựa chọn
Theo số liệu thống kê từ thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express, số lượng đơn hàng trong tháng 11 - một trong những tháng cao điểm mùa mua sắm cuối năm, có ngày sale 11/11 và Black Friday - đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các địa phương đều tăng trưởng về mặt số lượng đơn, không còn chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Điều đó cho thấy số lượng người mua, người bán ở các tỉnh thành ngoài các thành phố lớn đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, một khảo sát của Facebook và Công ty GroupM Việt Nam cho kết quả trong số những người sử dụng Internet ở các vùng nông thôn, 46% (khoảng 30 triệu dân) có tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến. Báo cáo của Facebook và GroupM cũng đưa ra dự tính chi phí hàng tháng dành cho ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn sẽ tăng trung bình 7% hàng năm, nhanh hơn khu vực đô thị loại 1 (4%), tính từ 2020-2025. Từ đó, báo cáo cho rằng trên 70% các ngành hàng vẫn có cơ hội để đẩy mạnh số lượng người tiêu dùng ở nông thôn so với ở đô thị loại 1.
Đón sóng mùa lễ hội mua sắm cuối năm
Nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” cũng chỉ ra những ngày hội mua sắm (Mega Sales Days - MSD) được xem là cơ hội giúp các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung vực dậy sau đại dịch.  Đặc biệt, sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội, dịp Tết Nguyên đán 2022 được dự đoán sẽ bùng nổ trên khắp cả nước khi mà người tiêu dùng có xu hướng gia tăng chi tiêu và mua sắm cho dịp Tết sớm hơn thường lệ. Đồng thời, TMĐT dần trở thành một kênh quen thuộc được nhiều người lựa chọn với 79% người được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến vào dịp Tết 2021 và 90% người khẳng định họ sẽ cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến trong tương lai.
Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ đẩy mạnh việc bán hàng qua kênh TMĐT, tăng trưởng đột phá về doanh số thời điểm cuối năm. Song song với các chương trình khuyến mãi, doanh nghiệp nên tìm kiếm các sàn TMĐT giúp thúc đẩy nhanh việc “chốt đơn”, cũng như lựa chọn các đơn vị logistic uy tín về chất lượng cũng như tối đa hóa trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.  Chẳng hạn, J&T Express đã và đang áp dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển hàng hóa, đảm bảo việc giao nhận được diễn ra thông suốt, nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn cho đội ngũ shipper và khách hàng cũng được chú trọng trong thời gian này thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp 5K, shipper đeo huy hiệu đã tiêm vaccine và thực hiện khử khuẩn hàng hóa cẩn thận. Với quy mô 36 trung tâm khai thác và hơn 1.900 bưu cục trên khắp 63 tỉnh thành, J&T Express cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ mượt mà trong mùa mua sắm cao điểm này./.
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: